Sự hồi sinh của vương quốc bị đánh mất
(Cadn.com.vn) - Myanmar là một trong những nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á, với GDP bình quân đầu người 868 USD. Mặc dù có biên giới với Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Lào và Thái Lan, nhưng Myanmar bị cô lập với thế giới cho đến năm 2011, do bị cai trị bởi một chính quyền quân sự kể từ năm 1962.
Vươn mình đứng dậy
Cuộc tổng tuyển cử năm 2010, sự kiện mang tính bước ngoặt, là bước đi đầu tiên giúp Myanmar chuyển đổi từ chế độ quân sự sang một chính phủ dân sự dân chủ.
Chính phủ bán dân sự, dẫn đầu bởi Tổng thống Thein Sein, bắt tay vào loạt các cải cách kinh tế và chính sách kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Các lệnh cấm vận của EU, Mỹ, Canada và Australia được dỡ bỏ, đầu tư quốc tế tăng lên, dẫn đến sự đột biến trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhìn chung, những nỗ lực cải cách của Naypyidaw được đền đáp. Cải cách kinh tế quan trọng tại Myanmar liên quan đến việc nới lỏng các hạn chế và đơn giản hóa thủ tục đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài mới (MFIL) năm 2012. Đất nước hướng tới việc quản lý nổi đồng kyat.
Điều này giúp giảm bớt sự phức tạp đáng kể mà các nhà đầu tư phải đối mặt trước đây, liên quan đến sự đa dạng của tỷ giá hối đoái. Các nhà chức trách cũng giao quyền tự chủ hơn cho các ngân hàng trung ương trong các quyết định chính sách tiền tệ. Ngân sách chi tiêu xã hội về sức khỏe và giáo dục cũng tăng lên.
Ngoài những cải cách quan trọng, chính phủ hiện nay mời các Cty tư nhân tham gia vào lĩnh vực viễn thông, bằng cách cấp giấy phép cho Telenor của Na Uy và Ooredoo từ Qatar. Kết quả là, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện trong thời kỳ hậu cải cách. Tăng trưởng GDP tăng với mức trung bình hơn 7% so với năm trước (8,25% trong năm 2013-2014).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng lên. Tổng vốn FDI vào Myanmar tính đến năm 2013 ở mức 44 tỷ USD, trong đó điện, dầu và khí đốt tự nhiên chiếm 75%. Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8% trong dài hạn. Điều này phản ánh sự háo hức của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên của Myanmar.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn cảnh giác với những bất ổn chính trị, tham nhũng (theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham nhũng của Myanmar xếp thứ 157 trong số 177 quốc gia vào năm 2013), vấn đề về lao động không có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Myanmar đang nỗ lực để phát triển. Ảnh: Diplomat |
Cần cải cách sâu rộng hơn
Ngoài việc cải cách kinh tế và các chính sách có quy mô lớn, chính quyền Naypyidaw nên thực hiện cải cách trong 3 lĩnh vực sau đây để duy trì tăng trưởng dài hạn.
Đầu tiên, Myanmar phải khẩn trương giải quyết xung đột sắc tộc trong nước, vì đây là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn. Hiện nhiều nhóm dân tộc có vũ trang ký thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ và chính quyền Tổng thống Thein Sein đang tích cực thúc đẩy một "thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc". Chính phủ yêu cầu các nhóm này từ bỏ vũ khí trước khi tiến hành đối thoại chính, nhưng các nhà lãnh đạo dân tộc nổi dậy không đồng ý.
Thứ hai, nước này cần cải cách lĩnh vực kinh doanh trên diện rộng. Việc thực thi luật đầu tư nước ngoài sẽ rất quan trọng. Mặc dù Myanmar xếp hạng 182 trong số 189 quốc gia trong cuộc khảo sát Dễ kinh doanh, nhưng việc thành lập một doanh nghiệp ở Myanmar khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác được khảo sát.
Thứ ba, đầu tư vào giáo dục là rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề lao động phổ thông tại Myanmar. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lĩnh vực giáo dục bị bỏ rơi dưới chế độ quân sự. Đầu tư vào giáo dục trong giai đoạn này là cần thiết, bởi lao động có tay nghề cao sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.
3 năm cải cách mang lại sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với Myanmar. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn lạc quan về đất nước, và hầu hết trong số họ muốn "chờ đợi và xem" những thay đổi rõ ràng hơn nữa về các chính sách và môi trường kinh doanh của Naypyidaw.
An Bình
(Theo Diplomat)