Tại sao các doanh nghiệp độc quyền thích công bố lỗ?
(Cadn.com.vn) - (Cadn.com.vn) - Việc công bố lỗ, lãi là chuyện bình thường của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề này lại là câu chuyện dài, phức tạp được tranh luận ở nhiều diễn đàn chưa có dấu hiệu chấm dứt, câu trả lời rõ ràng.
Có chuyên gia kinh tế mỉa mai rằng các doanh nghiệp nắm quyền chi phối thị trường hoặc chiếm vị thế độc quyền đối với một số mặt hàng, lĩnh vực thường thích công bố lỗ?
Thích lỗ!?
Điều này xem ra bất hợp lý nhưng lại có phần nào phản ảnh đúng với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Theo lẽ thường thì việc công bố lỗ trong hoạt động kinh doanh là điều rất cấm kỵ, bị coi là thảm họa đối với các doanh nghiệp, vì vậy đáng ra phải giấu, che đậy được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Lý do là khi công bố lỗ sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay tức thì đến doanh nghiệp như hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn và việc tìm kiếm, đàm phán làm ăn với đối tác vì thế sẽ thêm khó khăn. Đặc biệt là uy tín của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp sẽ giảm sút, nhất là đối với các doanh nghiệp niêm yết thì cổ phiếu sẽ mất giá, tài sản của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng “bốc hơi”, thất thoát và chủ doanh nghiệp có nguy cơ bị mất việc hoặc thay thế, kỷ luật.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được cho là... thích công bố lỗ nhiều nhất hiện nay, đặt ra nhiều nghi vấn chưa được trả lời. Ảnh: GD&TĐ |
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp độc quyền lại thích công bố lỗ, với nhiều lý do khác nhau? Câu trả lời khá đơn giản là công bố lỗ để được... tăng giá, giảm thuế, được hỗ trợ. Và dĩ nhiên các mặt hàng thường xuyên được công bố lỗ là các mặt hàng thiết yếu, lĩnh vực còn độc quyền đối với cuộc sống của người dân như điện, than, nước, xăng, gas, sữa...
Mặc dù mức thu nhập, lương tối thiểu, mặt bằng chung cuộc sống, sinh hoạt ở nước ta còn rất thấp so với thế giới và đa số các nước trong khu vực nhưng các doanh nghiệp khi tăng giá đều so sánh, căn cứ vào mặt bằng giá cả của các nước để áp mức giá cho người tiêu dùng trong nước. Theo nguyên lý chung của thị trường, kinh doanh thì đây là điều hết sức vô lý, có thể gọi là bất công đối với người dân, người tiêu dùng nội địa. Đáng nói đến nữa là với đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội và mục tiêu cuối cùng của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặt mọi lợi ích của đại bộ phận quần chúng nhân dân lên trên hết, mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị đều hướng về người dân, do dân, vì dân thì việc so sánh, đối chiếu trên lại càng khập khiểng, bất hợp lý.
Cần minh bạch
Do đó, đối với việc công bố lỗ, lãi của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp độc quyền thì các cơ quan chức năng cần xem xét một cách toàn diện, thấu đáo về tất cả các mặt của đời sống xã hội để đưa ra mức giá các mặt hàng có sự kiểm soát, điều hành của Nhà nước một cách hợp lý, hạn chế sự bất cập, ảnh hưởng tiêu cực cho người tiêu dùng. Đồng thời, có biện pháp xử lý triệt để, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp độc quyền tăng giá bất hợp lý, thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, có thể xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp độc quyền cố tình làm giá, tăng giá bất hợp lý hoặc người đứng đầu thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm do chủ quan mà gây ra lỗ, thiệt hại cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý, điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu một cách công khai, minh bạch để kiểm soát tốt tình trạng lỗ, lãi của các doanh nghiệp. Kiên quyết không tăng giá, áp giá một cách tùy tiện, bất hợp lý theo ý chí của các doanh nghiệp, với lý do tăng giá để... bù lỗ đang diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Với hành động này sẽ tạo ra điều kiện, môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Vĩnh Linh