Tại sao doanh nhân Mỹ vẫn thờ ơ với Iran?
(Cadn.com.vn) - Trong khi các ông lớn ở Châu Âu, từ tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, tập đoàn sản xuất ô-tô Peugeot cho đến nhà thầu dầu và khí đốt Saipem nhanh chóng nhảy vào thị trường Iran sau khi quốc gia Hồi giáo này được dỡ bỏ lệnh cấm vận, các Cty vẫn tỏ ra thờ ơ với thị trường tiềm năng này. Thông tin về hàng loạt hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đến từ trời Âu qua chuyến thăm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đặt ra câu hỏi lớn: liệu các Cty của Mỹ có đi theo con đường này?
Nói cho cùng, Washington là bên quan trọng nỗ lực nhiều nhất cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận Tehran theo sau thỏa thuận này, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Rouhani đã đến Italia và Pháp nhằm mục đích rõ ràng là tìm lại mối quan hệ làm ăn với lục địa già. Tuy nhiên, ông lại chưa có ý định đến Mỹ trong bối cảnh tồn tại hai dòng tư tưởng về mối quan hệ với Tehran tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một bên muốn thắt chặt việc kinh doanh và quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Iran cùng với mối quan hệ ngoại giao mở đối với Tehran. Một bên lại tỏ ra thận trọng trong việc làm ăn với quốc gia Hồi giáo này.
Nhiều người cho rằng, có lẽ nguyên nhân chính là do bóng ma của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran và nhất là vụ bắt cóc con tin Mỹ năm 1979. Dường như đối với cá nhân người Mỹ, Iran vẫn là vùng đất không an toàn. Bên cạnh đó, Nhà Trắng vẫn chưa hoàn toàn dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran khi vẫn còn đó lệnh cấm vận vũ khí. Lệnh trừng phạt này được cho là sẽ tiếp tục làm nản lòng không chỉ các doanh nghiệp và các ngân hàng Mỹ, mà cả các đối tác phương Tây của họ. Chắc hẳn giới doanh nhân còn nhớ mức phạt 9 tỷ USD mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với Cty BNP Paribas có trụ sở ở Paris, Pháp vào năm 2014 vì vi phạm lệnh trừng phạt khi vẫn đầu tư vào Iran thông qua các ngân hàng Mỹ hoặc các Cty con có trụ sở tại Mỹ.
Và còn đó là mối lo từ những phản đối của phe Cộng hòa. Một số ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nhấn mạnh, họ sẽ hành động để kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu chúng đến được Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng. Mặc dù nhiều người cho rằng, Washington "khó" thoát khỏi việc phải thực thi thỏa thuận hạt nhân này, vẫn không thể lường trước được mọi sự việc, nhất là khi một ứng viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Và đó là lý do vì sao trong khi các doanh nghiệp Châu Âu tích cực khởi động vào thị trường Iran, các Cty Mỹ lại dè dặt hơn.
Thanh Văn