Tại sao liên quân Arab không kích Houthi?

Thứ ba, 05/05/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - Cuộc xung đột tại Yemen bước sang tháng thứ hai với hơn 1.200 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di dời, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng. Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu từng tuyên bố ngừng không kích song sau đó ngay lập tức lại tấn công dồn dập. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước Arab quyết định mở cuộc chiến chống phiến quân Houthi ở Yemen.

Tên lửa trên biên giới

Theo một quan chức cấp cao Arab, liên quân quyết định can thiệp ở Yemen nhằm ngăn chặn việc Houthi tiếp quản đất nước.

Ông cho biết, chính phủ Mỹ xác nhận, vệ tinh giám sát cho thấy, ước tính 300 tên lửa Scud của Yemen, dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi, di chuyển đến gần biên giới Saudi Arabia. Với tầm bắn hơn 300km, những tên lửa này có thể đánh trúng một số thành phố của Saudi Arabia. Tuy nhiên, khi được hỏi về bằng chứng cho thấy Iran hỗ trợ phe Houthi, quan chức này từ chối trả lời cụ thể, và cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng hình ảnh nào cho thấy tên lửa Scud được đưa đến biên giới Saudi Arabia.

Ngăn chặn Iran

Saudi Arabia và các đồng minh Arab không thể tha thứ cho những gì họ gọi là "lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn tiếp quản một đất nước sân sau của họ", vì thế theo quan chức trên, các quốc gia vùng Vịnh muốn chấm dứt sự can thiệp của Iran trong các vấn đề Arab. Họ quyết tâm đối đầu với những gì họ đánh giá là tham vọng bành trướng của Tehran khắp Trung Đông.

Iran phủ nhận việc hỗ trợ quân sự cho quân Houthi. Nhưng quan chức này cho biết, Tehran hỗ trợ chính trị sâu rộng cho Houthi, nhóm chia sẻ nhánh Hồi giáo Shiite với Iran. Saudi Arabia lần đầu tiên tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích hôm 21-4 sau khi chịu áp lực ngăn chặn các vụ đánh bom từ Mỹ. Washington lo sợ các cuộc không kích sẽ phá vỡ thỏa thuận đề xuất của mình với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng các quan chức cho biết, trong những ngày tiếp theo, Houthi sử dụng 6 máy bay chiến đấu MiG bắt đầu một cuộc tấn công mới tại Taiz và Aden. Đây là lý do tại sao liên minh nối lại các cuộc không kích.

Liên minh hiện nay giành quyền kiểm soát không phận của Yemen và đưa ra lệnh cấm vận vũ khí trên cả nước này. Do tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, Saudi Arabia sau đó cho phép các chuyến bay cứu trợ nhưng nhấn mạnh, những máy bay từ Iran phải được chặn lại tại căn cứ ở Bisha để kiểm tra có mang theo vũ khí hay không. Các quan chức cho biết, một máy bay Iran được phát hiện bay trực tiếp đến thủ đô Sanaa hôm 28-4. Nghi ngờ có chở theo vũ khí, liên minh sau đó đáp trả bằng cách ném bom các đường băng tại Sanaa để ngăn cản máy bay hạ cánh, trong khi chính phủ lưu vong Yemen gửi đơn lên HĐBA LHQ tố Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.

Trẻ em bị thương trong các cuộc giao tranh giữa phiến quân và những người ủng hộ chính phủ. Ảnh: BBC

Phá vỡ liên minh Saleh-Houthi

Các quan chức Vịnh thừa nhận, ban đầu họ nỗ lực đạt được thỏa thuận hòa bình với cựu Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh nhưng thất bại. Ông Saleh nắm quyền trong hơn 20 năm trước khi bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab năm 2012. Tuy nhiên, trong quân đội Yemen hiện nay, 36 lữ đoàn nằm trong tay con trai của ông và hơn 17 lữ đoàn khác thuộc về con rể.

Sĩ quan quân đội Yemen phần lớn đến từ giáo phái Zaidi Shiite - nơi xuất thân của phiến quân Houthi. Phần lớn quân đội vẫn trung thành với ông Saleh. Do đó, các nước vùng Vịnh hy vọng cuối cùng họ có thể phá vỡ liên minh hiện tại giữa cựu Tổng thống Saleh và phe Houthi.

Chiến lược đa hướng

Các nhà lãnh đạo Arab kỳ vọng rất lớn vào Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trại David vào ngày 14-5.

Họ muốn Nhà Trắng bảo đảm, mối quan ngại an ninh của chính họ về Iran sẽ không bị phớt lờ trong thỏa thuận hạt nhân của Washington với Tehran. Liên minh do Saudi Arabia bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì chiến dịch ném bom mở rộng khiến nhiều dân thường thương vong. Nhưng các quan chức vùng Vịnh cho biết, họ có một chiến lược đa hướng, bao gồm duy trì quyền kiểm soát bầu trời và biển, cho phép viện trợ nhân đạo, lập kế hoạch tái thiết và phát triển cũng như tìm kiếm sự trung thành của lãnh đạo bộ tộc.

An Bình
(Theo BBC)