"Tài trợ" học sinh yếu kém để ngăn ngừa nguy cơ bỏ học
(Cadn.com.vn) - Trước thực trạng nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học có nguy cơ bỏ học do thiếu sự quan tâm từ gia đình và nhà trường, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em (HTT&BVQTE) TP Đà Nẵng đã mạnh dạn xây dựng mô hình "Mạng lưới bảo vệ và ngăn ngừa trẻ em có nguy cơ bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng". Mô hình tập trung vào nâng cao học lực cho các em học sinh yếu, kém. Theo đó, mỗi trường tham gia mô hình sẽ chọn 50 em để thực hiện, bao gồm 44 học sinh yếu, kém và 4 học sinh giỏi (gọi là nhóm nòng cốt), với tỷ lệ 1 học sinh giỏi kèm 6, 7 em học sinh có học lực yếu, kém. Theo anh Nguyễn Văn Tú- người phụ trách dự án, qua khảo sát, số học sinh bỏ học không hoàn toàn do điều kiện kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu là do các em học kém dẫn đến tâm lý tự ti, chán nản như: không lên được lớp, hoặc thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10, không đậu là... bỏ học luôn. Vì lý do đó, mục tiêu tối thiểu của mỗi nhóm là giúp các em có học lực yếu, kém lên mức học trung bình. Khi lên được học lực trung bình thì đồng nghĩa với việc các em sẽ không ở lại lớp, và dần dần sẽ hoàn thiện trong các năm tiếp theo.
Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trong 21 trường học trên toàn thành phố. Trên cơ sở những kết quả đạt được, HTT&BVQTE TP Đà Nẵng đã nhân rộng những mô hình này ra các quận, huyện khác. Kết quả cho thấy, sau 4 năm đi vào hoạt động, dự án đã đạt mục đích ban đầu, mang lại hiệu quả cao: 98% học sinh có học lực yếu, kém đã vươn lên trung bình, khá, giỏi. Ngoài ra, trong mỗi trường tham gia mô hình đều thành lập một Chi hội giúp đỡ gồm các thầy cô giáo tâm huyết, phụ huynh, tình nguyện viên, nhà tài trợ, học sinh... kết nối với nhau một cách chặt chẽ. Anh Nguyễn Văn Tú cho biết, phụ huynh nào cũng quan tâm đến con, nhưng đôi khi do mải lo kinh tế mà lơ là, hoặc chưa có kỹ năng quản lý, giáo dục con. Nhiệm vụ của Chi hội là tư vấn, giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức, phương pháp để quản lý con trong thời gian ở nhà, đồng thời cũng tập huấn cho các thầy cô về kỹ năng quản lý học sinh trên giờ lên lớp. Qua những buổi sinh hoạt trong nhà trường, 100% thầy, cô giáo được tư vấn về kỹ năng ngăn ngừa trẻ em có nguy cơ bỏ học, gần 1.000 phụ huynh được trang bị kiến thức về bảo vệ quyền trẻ em, các em được trang bị về kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại... từ đó giúp các em tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, bạo lực trong xã hội. Không chỉ giúp đỡ về mặt tinh thần, các học sinh thuộc hộ nghèo, khó khăn trong nhóm còn được hỗ trợ học bổng, sơ kết mỗi học kỳ, mỗi học sinh được tặng 1 suất học bổng/ quà trị giá từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Q. Ngũ Hành Sơn sơ kết và trao thưởng cho các em học sinh tham gia mô hình. |
Trao thưởng cho các em học sinh tiến bộ tham gia mô hình tại Q.Ngũ Hành Sơn. |
Cô Mai thị Liền, Chủ tịch HTT&BVQTE Q.Ngũ Hành Sơn cho biết: "Thời gian đầu triển khai mô hình, Chi hội đi vận động các nguồn hỗ trợ, chúng tôi cũng rất băn khoăn, vì từ trước chỉ quen với việc tài trợ cho các em học sinh giỏi vượt khó chứ chưa hề có tiền lệ tài trợ cho học sinh... dở bao giờ. Nhưng sau khi triển khai thí điểm trong 2 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Huỳnh Bá Chánh thì kết quả đạt được rất bất ngờ: 100% học sinh đủ điều kiện lên lớp, trong những em học sinh ban đầu xếp vào nhóm học lực yếu, sau một thời gian tham gia mô hình, có em vươn lên khá, giỏi. Đặc điểm của một nhóm theo mô hình là các em ở gần nhà nhau, để nhóm trưởng dễ nắm bắt tình hình của từng bạn, từ đó báo cáo với nhà trường để có biện pháp uốn nắn kịp thời".
Có thể thấy, các kết quả mà mô hình mạng lưới bảo vệ và ngăn ngừa trẻ em có nguy cơ bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng đạt được đã góp phần hạn chế tình trạng học sinh nghèo bỏ học, góp phần cùng nhà trường, gia đình và các cấp chính quyền TP thực hiện mục tiêu không có học sinh bỏ học. "Điều then chốt làm nên thành công của dự án là phụ huynh và giáo viên phải kết hợp với nhau để cùng quan tâm và có trách nhiệm với trẻ", anh Nguyễn Anh Tú chia sẻ.
Ngân Hà