Taliban công khai hoạt động tại phần lớn lãnh thổ Afghanistan

Thứ năm, 01/02/2018 10:43

Một nghiên cứu của BBC công bố ngày 30-1 cho thấy, Taliban, phong trào Hồi giáo mà quân đội Mỹ đã chi hàng tỷ USD để đánh bại, đang hoạt động công khai ở 70% các huyện của Afghanistan, kiểm soát hoàn toàn 4% lãnh thổ nước này.

Một vụ tấn công của Taliban tại Afghanistan.    Ảnh: BBC

Điều tra của BBC - được thực hiện vào cuối năm 2017 - cung cấp cảnh báo nhanh về tình hình an ninh tại mỗi huyện ở Afghanistan từ ngày 23-8 đến ngày 21-11. BBC trao đổi với hơn 1.200 nguồn tin địa phương, tại 399 huyện của nước này, để xây dựng một bức tranh tổng thể về tất cả các cuộc tấn công trong thời gian đó. Kết quả cho thấy, khoảng 15 triệu người - một nửa dân số - đang sống trong các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc nơi Taliban hiện diện công khai và thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công.

Mức độ mà Taliban kiểm soát đã vượt qua thành trì phía nam vào các khu vực phía đông, phía tây và bắc của đất nước. Các khu vực đã rơi vào Taliban kể từ năm 2014 bao gồm nhiều địa điểm ở tỉnh Helmand như Sangin, Musa Qala và Nad-e Ali, nơi các lực lượng nước ngoài đã chiến đấu và để giành quyền kiểm soát về tay chính phủ Afghanistan sau khi quân đội Mỹ lật đổ Taliban vào năm 2001.

Taliban chiếm bao nhiêu lãnh thổ?

Nghiên cứu của BBC cho thấy Taliban hiện có toàn quyền kiểm soát 14 huyện (chiếm 4% cả nước) và có sự hiện diện mạnh mẽ và công khai ở 263 huyện (66%), cao hơn so với các ước tính trước đây về sức mạnh Taliban.

Trong các khu vực được xác định là có sự hiện diện tích cực và mở rộng của Taliban, các tay súng thường xuyên tấn công chống lại các cơ sở của chính phủ Afghanistan. Amruddin, người điều hành một Cty vận tải địa phương, sống ở quận Baharak, phía bắc tỉnh Badakhshan, nơi mà theo nghiên cứu của BBC có sự hiện diện của Taliban ở mức trung bình, cho biết: "Chúng tôi liên tục sống trong sợ hãi, bất cứ khi nào chính phủ bắt đầu chiến đấu với Taliban. Chúng tôi bị mắc kẹt trong cuộc chiến, khiến cuộc sống bế tắc, nếu Taliban vẫn còn ở đây".

Tại Sangin, khu vực do Taliban kiểm soát, Mohammad Reza, một người cha có con trai 8 tuổi, mô tả cuộc sống là "tốt hơn" bởi vì có hòa bình. "Chỉ có bạo lực khi quân đội chính phủ đến", ông cho biết. Mahgul, một giáo viên từ một huyện phía bắc Kabul, nói: "Người dân không còn cách nào khác phải rời bỏ nhà cửa, trang trại hoặc ở lại và sống dưới chế độ Taliban". Bà cho biết, gia đình bà chạy trốn khỏi làng hồi tháng 10, và đến nơi trú ẩn ở khu vực trung tâm do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, tại đây, chỉ 2 ngày sau đó, anh trai bà thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát.

Trong quá trình điều tra, BBC cũng thu được bằng chứng về việc Taliban tăng thuế tại các huyện chúng công khai hoạt động. Tại đây, chúng buộc nông dân, các doanh nghiệp địa phương và thậm chí là những người buôn phải trả thuế trong khi vẫn để cho chính phủ đưa ra hóa đơn cho các dịch vụ cơ bản như trường học và bệnh viện.

Bạo lực tăng mạnh

Bạo lực đã tăng mạnh kể từ khi các đội quân chiến đấu quốc tế rời Afghanistan 3 năm trước.

Theo thông tin của LHQ, hơn 8.500 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương trong 3 quý đầu năm 2017. Đại đa số người Afghanistan chết trong các vụ bạo lực nổi dậy nhưng họ cũng thiệt mạng trong các vụ tấn công của quân đội, với sự ủng hộ của Mỹ, cả trên mặt đất lẫn trên không. Mặc dù phần lớn các vụ bạo lực không được báo cáo, các cuộc tấn công lớn ở các thành phố đang xảy ra với tần suất cao hơn và lực lượng an ninh Afghanistan dường như không thể ngăn chặn những vụ tấn công như vậy. Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 1 vừa qua, 3 vụ tấn công khiến hơn 130 người thiệt mạng. Hồi tháng 5-2016, ít nhất 150 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương khi một quả bom xe tải lớn được kích nổ ở khu vực được coi là an toàn nhất Kabul.

IS mạnh đến mức nào?

Nghiên cứu của BBC cũng cho thấy IS đang hoạt động tích cực hơn ở Afghanistan hơn bao giờ hết, mặc dù nhóm khủng bố này vẫn còn kém so với Taliban.

IS cho thấy khả năng tấn công các mục tiêu ở những nơi như Kabul, nhưng chúng bị hạn chế trong một thành trì tương đối nhỏ ở biên giới với Pakistan tại tỉnh Nangarhar ở phía đông. Người dân địa phương và các quan chức cho biết, IS hiện nay có mặt tại 30 huyện - không chỉ ở phía đông mà còn ở những nơi như Khanabad và Kohistanat ở phía bắc. Nhóm này đang chiến đấu với cả quân đội Afghanistan và Taliban để giành quyền kiểm soát lãnh thổ.

Trong năm 2017, số lượng các cuộc tấn công của nhóm tăng lên, nhắm đến các trung tâm đô thị và những người Hồi giáo Shiite trong các cuộc tấn công tập thể gần như chưa từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài 40 năm qua tại Afghanistan.

Chính phủ vẫn kiểm soát phần lớn đất nước?

Phát ngôn viên Tổng thống Ashraf Ghani, Shah Hussain Murtazavi, nói: "Ở một số huyện, việc kiểm soát có thể thay đổi nhưng nếu nhìn vào tình hình năm nay (2017-2018), các hoạt động của Taliban và IS đã giảm đáng kể".

Theo ông, "các lực lượng an ninh Afghanistan chiến thắng trong các ngôi làng, các phiến quân không thể kiểm soát được một tỉnh, một quận lớn hay một xa lộ nữa. Không có nghi ngờ gì về việc chúng đã thay đổi chiến thuật chiến tranh, tập trung tiến hành các cuộc tấn công tại Kabul, nhằm vào các đền thờ Hồi giáo và chợ". Ông Murtazavi khẳng định chính phủ kiểm soát phần lớn các huyện - ngoại trừ một số ít nơi mà Taliban có mặt.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố về mức độ an ninh suy giảm, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái đồng ý triển khai thêm 3.000 binh sĩ, đưa quy mô lực lượng Mỹ ở Afghanistan lên khoảng 14.000 người.

AN BÌNH