Taliban loay hoay trên con đường đi tìm tính “chính danh hợp pháp”

Thứ tư, 13/10/2021 14:31

Đại diện lực lượng Taliban ở Afghanistan, Zabihullahd Mujahid khẳng định, lực lượng này đang nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, trong đó có Mỹ, Nga, Anh... nhưng giới phân tích nhận định, con đường này xem ra rất gập ghềnh.

Phái đoàn Taliban ở Doha, Qatar vào ngày 9-10. Ảnh: Reuters

Taliban ngày 12-10 có cuộc đàm phán trực tuyến với các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) sau khi đã liên tục có những cuộc gặp như con thoi với đại diện Mỹ và các nước khác.

Quyền Ngoại trưởng chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi, cho biết, Taliban tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với các quan chức EU trong nỗ lực ngoại giao tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế và chính thức được công nhận là chính phủ hợp pháp. Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm nghiên cứu xung đột và nhân đạo của Qatar tổ chức, ông Muttaqi cho biết, cuộc gặp với các quan chức EU diễn ra trong ngày 12-10.

Ngoài ra, ông nêu rõ hiện chính phủ lâm thời tại Afghanistan cũng đang tổ chức nhiều cuộc gặp tích cực với các đại diện của nhiều quốc gia khác. Ông Muttaqi nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tạo dựng các mối quan hệ tích cực với toàn thế giới. Chúng tôi tin tưởng ở các mối quan hệ cân bằng. Chúng tôi tin rằng mối quan hệ cân bằng như vậy có thể giúp Afghanistan thoát khỏi bất ổn”.

Trước khi thông báo kế hoạch đàm phán trực tiếp với EU nói trên, ông Muttaqi cho biết ông đã gặp các quan chức Đức và một nghị sĩ Anh tại Doha. Ngoài ra, ông cũng đã có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên với các quan chức Mỹ kể từ khi Washington rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 20 năm qua tại quốc gia Nam Á này.

Quyền Ngoại trưởng của chính phủ Taliban cho biết, hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có việc mở sang trang mới trong quan hệ song phương. Kênh truyền hình Al-Jazeera dẫn phát biểu của ông Muttaqi cho biết tại cuộc gặp, phái đoàn Taliban đã tập trung vào vấn đề viện trợ nhân đạo và thực thi thỏa thuận Doha. Bên cạnh đó, phái đoàn chính quyền Taliban đã đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Afghanistan.

Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan hồi tháng 8 sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Dù Taliban đã thành lập chính phủ lâm thời, nhưng chưa quốc gia nào công nhận tính hợp pháp của chính phủ này ở Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đang lâm vào tình trạng khó khăn do bị cắt viện trợ quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực tăng mạnh. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới tăng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan để giúp quốc gia này chống đỡ trước nguy cơ sụp đổ kinh tế.  Phía Mỹ đã ngỏ ý sẵn sàng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Afghanistan cũng sẵn sàng cho phép viện trợ nhưng lại chưa nói gì đến việc công nhận chính phủ hợp pháp.

Hôm 11-10, đại diện lực lượng Taliban ở Afghanistan, Zabihullahd Mujahid khẳng định, lực lượng này đang nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, trong đó có Mỹ, Nga, Anh... nhưng giới phân tích nhận định, con đường này xem ra rất  gập ghềnh. Trả lời phỏng vấn hãng TASS, đại diện Taliban cho hay lực lượng này đang đàm phán với Nga về việc công nhận chính phủ Afghanistan do Taliban lãnh đạo và mở đại sứ quán của Moscow tại quốc gia Nam Á này. Quan chức trên nhấn mạnh việc giải quyết những vấn đề này sẽ mở ra triển vọng hợp tác tiếp theo. Ngoài ra, cũng theo ông Mujahid, Taliban đang nỗ lực nối lại các chuyến bay quốc tế từ sân bay Kabul. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có một tổ chức vận hành đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn tại sân bay và trên máy bay theo quy định quốc tế.

Tuần trước, đặc phái viên của Nga về Afghanistan Zamir Kabulov thông báo Nga đã mời Taliban tham dự hội nghị quốc tế về Afghanistan, dự kiến diễn ra ngày 20-10 tại Moscow. Hội nghị này diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Afghanistan ngày 12-10 nhằm tìm cách giúp nước này tránh thảm họa nhân đạo sau khi Taliban tiếp quản quyền kiểm soát. 

KHẢ ANH