Taliban vác súng gõ cửa từng nhà, người dân Afghanistan lo sợ trả thù

Thứ bảy, 21/08/2021 19:03

Mặc dù Taliban đã cố gắng thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn kể từ khi kiểm soát Kabul, người dân vẫn bị ám ảnh bởi cách cai trị bằng “nắm đấm sắt” từ năm 1996 đến năm 2001 của Taliban.

Taliban cầm súng kiểm soát trên đường phố Kabul.

Ảnh: EPA

Các cựu quan chức trong chính quyền đã kể những câu chuyện đáng sợ khi phải trốn chạy khỏi Taliban trong những ngày gần đây khi các tay súng có vũ trang “gõ cửa” từ nhà này sang nhà khác.

 

Khi Taliban gõ cửa căn hộ ở Kabul, gia đình 16 người chen chúc trong phòng tắm, tắt đèn, điện thoại, bịt miệng trẻ con để không bị phát hiện.

 

Họ không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng không muốn hứng chịu bất kỳ rủi ro nào. Hai thành viên gia đình này bị giết vài năm gần đây và họ đã chứng kiến làn sóng giết chóc khắp Afghanistan trong 12 tháng qua. Chính phủ Afghanistan bị lật đổ cáo buộc Taliban đứng sau những vụ đó. Gia đình tôi sợ hãi. Cứ mỗi giây thấy một chiếc ôtô chạy trên đường, họ lại chạy vào nhà vệ sinh trốn", Reuters dẫn lời một thành viên gia đình hiện ở nước ngoài cho biết. "Thực phẩm có hạn và giá cả tăng cao. Tình cảnh nhà tôi thật khủng khiếp", người này cho biết thêm.

 

Video trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông có vũ trang lục soát nhà hoặc đánh đập người dân trên phố. Reuters không thể xác minh độc lập các video, nhưng chúng làm tăng thêm nỗi sợ hãi của những người mắc kẹt trong nhà và chỉ có thể biết được thông tin bên ngoài qua mạng xã hội.

 

Từ hôm 18-8, các thành viên Taliban mang theo súng đã gõ cửa từng nhà ở các thành phố trên khắp Afghanistan, yêu cầu người dân quay trở lại làm việc. Động thái này xảy ra một ngày sau khi lực lượng Taliban tuyên bố họ muốn phục hồi nền kinh tế bị tàn phá của đất nước.

 

Wasima, 38 tuổi, cho biết, cô bị sốc khi 3 thành viên Taliban cầm súng đến gõ cửa nhà cô ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan vào sáng 188. Họ đã lấy thông tin chi tiết, hỏi về công việc và mức lương của cô tại một tổ chức viện trợ, đồng thời yêu cầu cô tiếp tục đi làm. 

 

Không chỉ người dân thường, những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội Afghanistan lui về ở ẩn hoặc bỏ trốn, cư dân mạng ồ ạt xóa bỏ nội dung từng đưa lên mạng vì lo sợ chính điều đó có thể khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm khi Taliban trả thù. Bởi hầu như chưa ai có thể quên lần đầu tiên Taliban áp đặt luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt khi nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001.

 

Trước những cáo buộc và làn sóng lo sợ u ám khắp nơi, một quan chức Taliban giấu tên vừa lên tiếng trấn an cho biết, lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình, cũng như điều tra báo cáo về các vụ trả đũa và hành động tàn bạo do thành viên của họ gây ra.

 

“Chúng tôi đã nghe nói về một số trường hợp gây tội ác với dân thường. Nếu các thành viên Taliban làm như vậy, họ sẽ bị điều tra. Chúng tôi hiểu sự hoảng loạn, căng thẳng và lo lắng của người dân. Mọi người cho rằng chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm, nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, quan chức trên nói.

 

Ông này nói thêm, Taliban đã có kế hoạch đưa ra một mô hình mới để điều hành Afghanistan trong vài tuần tới.

 

“Khuôn khổ mới để lãnh đạo đất nước sẽ không phải là sự dân chủ theo định nghĩa của phương Tây, mà nó sẽ bảo vệ quyền của tất cả mọi người. Các chuyên gia chính sách, tôn giáo, pháp lý trong Taliban sẽ đưa ra khuôn khổ lãnh đạo mới trong vài tuần tới”.

THANH VĂN