Tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử viết bằng máu
(Cadn.com.vn) - LTS: “Trong những trận đánh tiếp theo, nhiều chiến sĩ trên trận chốt hôm đó đã không còn nữa. Họ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội trưởng Lê Bá Dương để lại vẫn được các chiến sĩ chuyền tay nhau giữ cho đến ngày thống nhất nước nhà. Và chiến công dâng Người ngày mỗi nhiều thêm. Tấm ảnh đó đã trở thành hiện vật truyền thống quý báu của Trung đoàn…”-Trên đây là đoạn trích trong cuốn "Lịch sử Trung đoàn 27"-Triệu Hải – Nhà xuất bản QĐND 1990-kể về sự tích tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội trưởng Lê Bá Dương và đồng đội từng hôn trước lúc phát pháo hiệu gọi pháo của đơn vị bắn hủy chốt, chấp nhận hy sinh cùng trận địa trong trận chốt giữ đồi thám báo thuộc Cụm cao điểm 544 (Pulơ) tại mặt trận Đường 9 ngày 20-6-1971.
...Tháng 1-2008, tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trung đoàn, đồng chí Chính ủy Sư đoàn 390 khi nhận lại tấm ảnh Bác Hồ với những lời huyết thư đó đã khẳng định: Đây không chỉ là hiện vật, mà hơn thế, còn là báu vật của Trung đoàn 27 cũng như của cả Sư đoàn!... Đêm 20-6-1971, sau hơn 1 tháng thực hiện phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, ta đã xiết chặt vòng vây ép cao điểm 544 vào thòng lọng. Nhiệm vụ đánh trận quyết định tiêu diệt đỉnh 544–con mắt thần đặc biệt quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử Mcnamara được giao cho Tiểu đoàn 2. Để thực hiện trận quyết chiến điểm này, buộc ta phải tổ chức chiếm và chốt giữ đồi thám báo đối diện với đỉnh 544 khoảng 400m. Chiếm đồi thám báo không khó, song giữ được mỏm đồi vài chục mét vuông vừa đủ cho một tổ chốt mỏng manh khoảng 4 - 5 người quả là điều nan giải.
![]() |
Bản sao tấm ảnh Bác Hồ và lời thề viết bằng máu - hiện đã được trao cho |
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Các và Chính trị viên Tiểu đoàn Lê Văn Dưỡng gọi tôi lên. Sau khi phác thảo nhanh toàn bộ hình thái thế trận và mục tiêu cuối cùng của chiến dịch, Tiểu đoàn trưởng Các trao cho tôi 3 quả pháo hiệu rồi nói như tâm sự: “Trận chốt ngày mai sẽ là trận đánh một sống, một còn. Em và 4 đồng chí do em chọn hãy cố giữ lấy trận địa một ngày, để đến tối, Tiểu đoàn lên lấy đó làm bàn đạp tấn công dứt điểm 544. Trong trường hợp không thể giữ được, hãy bắn pháo hiệu cho pháo binh ta bắn hủy trận địa!”. Từng có kinh nghiệm qua hàng chục trận đánh chốt, tôi hiểu sự ác liệt của trận đánh ngày mai mà tôi sẽ đương đầu. Linh cảm một trận đánh chỉ được quyền thắng không lùi, tôi lẳng lặng lấy cuốn sổ tay, lột bỏ toàn bộ những trang viết để lại cho anh em phía sau, chỉ giữ lại tấm ảnh Bác Hồ ở đầu trang rồi bỏ vào túi ngực áo bên trái.
Đúng như dự đoán, sau buổi tối chiếm lĩnh trận địa, tổ chức đào công sự, gài mìn chống tấn công... vừa xong thì trời hửng sáng. Một buổi sáng được “mở màn” bằng hàng loạt trận oanh kích của máy bay địch, xen kín từng đợt pháo cấp tập vào chốt dọn đường cho 2 đại đội tăng cường lính ngụy từ đỉnh 544 nống ra hòng chiếm lấy ngọn đồi sinh tử. Chúng tôi vẫn giữ lối đánh chốt điềm tĩnh, lần lượt hàng chục lần hất các mũi tấn công của 2 đại đội tăng cường lính ngụy ngược về điểm xuất phát nơi yên ngựa. Ồ ạt tấn công, liên tục bị đánh vỗ mặt, bọn địch phải bỏ lại từng chồng xác chết chỉ cách mũi súng của tổ chốt chúng tôi hơn chục mét. Tuy vậy, 2 chiến sĩ trong nhóm hy sinh, 3 người còn lại cũng lần lượt bị thương nặng, cơ số đạn vơi dần.
![]() |
Những người còn sống sau trận chốt (từ trái qua): Vi Sinh Thoòng, |
c16 giờ, qua tiếng súng, dường như đoán biết lực lượng ta rất mỏng nên bọn địch đã chia làm 3 hướng cùng lúc nhào lên. Trên trận địa bấy giờ chỉ còn lại 3 người đều bị thương. Sau một lúc vừa bắn, vừa nhặt lựu đạn địch ném túi bụi về phía công sự để đáp trả lại chúng. Trong khói đạn, pháo đặc quánh, nhìn bọn địch tạm thời co lại chuẩn bị một đợt tấn công mới, biết không còn sự lựa chọn khác, và trước cái chết cận kề, tôi lấy trong túi áo tấm ảnh Bác Hồ, rồi dùng máu từ vết thương viết vào tấm ảnh: "Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20-6, con cùng đồng đội bắt đầu nổ súng diệt địch, giữ chốt đến cùng. Quán diệt được 7 tên, Hòe, Dương, Thoòng mỗi người hơn một chục. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, trách nhiệm, quyết tâm của chúng con là giữ chốt...”. Sau khi viết và thành kính hôn ảnh Bác, tôi chuyển qua cho chiến sĩ trung liên Phùng Hòe, và Vi Sinh Thoòng làm theo rồi bình thản lấy 3 trái pháo hiệu lần lượt điểm hỏa và đồng loạt cho nổ, một nửa gài hướng về phía địch, một nửa gài ngược hướng về phía mình theo phương án hủy chốt.
Theo đúng hiệp đồng, ngay khi nhận được tín hiệu của chúng tôi, pháo của ta phía sau cũng cấp tập chụp thẳng vào chốt. Cả trận địa bấy giờ như trong chiếc cối giã bằng các loại đạn pháo của cả ta và địch. Cũng chỉ cảm nhận được một thoáng tiếng nổ dữ dội, cả tổ chốt chìm trong khói pháo. Sau này nghe đồng đội kể lại, tôi mới biết, trận pháo kéo dài đến tối đã hất địch trở lại yên ngựa, đội hình Tiểu đoàn khi lên chốt chuẩn bị tấn công 544 đã phát hiện “xác” tôi và hai đồng đội sũng máu trong bùn đất tơi tả. Chính trị viên Đại đội Ngô Ất rút ra từ túi áo của tôi tấm ảnh Bác với lời thề viết bằng máu khiến ai nấy đều ứa nước mắt. Đêm đó, tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử viết bằng máu của chúng tôi đã được Chính trị viên Ngô Ất chuyển cho Lê Văn Dưỡng, Chính trị viên Tiểu đoàn, mang theo cùng đơn vị tấn công tiêu diệt hoàn toàn cao điểm 544.
Lê Bá Dương