Tạm biệt chim én
(Cadn.com.vn) - Ngày mai, những người lính thủy hành quân về phía mặt trời. Con tàu chuyển quân và hàng Tết cùng các anh mang theo mùa xuân đến sớm với Trường Sa. Tạm biệt những cánh én đang mang mùa xuân ra các đảo...
Chiều cuối năm, chúng tôi về với những người lính Đoàn M46 Hải quân. Xe lướt nhanh băng qua những trảng cát nối nhau dài tít tắp hút tận chân trời, trong cái hanh hao dìu dịu cuối đông của Vùng cực Nam Trung Bộ. Một giai điệu quen thuộc cất lên “Khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới...", bất chợt lòng chùng xuống nao nao. Phần lớn CBCS trong đoàn là những gương mặt trẻ. Tôi ngồi chung xe với chị Lệ Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, Bùi Hoài Nam, Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh, Đình Quân, phóng viên Báo Tiền Phong. Chuyến đi lần này mang nhiều ý nghĩa.
Ngoài nhiệm vụ trao quà của Tỉnh Đoàn Khánh Hòa và Sở KH & CN tặng các đảo, mọi người trong tâm trạng được trở về gặp lại người thân. Bên tôi, giọng nói ríu rít của cô bé Nguyên Anh, chuyên viên Bảo tàng Khánh Hòa chốc chốc lại nghe điện thoại của các anh bộ đội hỏi đoàn đi đến đâu rồi, thương các anh ngóng đợi từ rất sớm. Giữa chừng phải dừng lại chờ đợi nhà vườn chuyển nốt những cây sa kê lên xe gửi ra cho các chùa ở Trường Sa, thành ra lại càng sốt ruột. Nhìn Hoàng Lệ Hà, người phụ nữ mảnh mai, khó có thể hình dung chị đã hai lần vượt sóng ra công tác ở Trường Sa và đã làm được rất nhiều việc cho các đảo.
Con người chị toát lên sự mạnh mẽ, sôi nổi, nhiệt tình hiếm có. Mười tám tuổi, cô gái ngoại thành Nha Trang xung phong vào bộ đội, trưởng thành từ người lính, sinh viên đại học, chuyên viên tổng hợp và trở thành nhà quản lý, Lệ Hà luôn mang trong mình tình yêu người lính, đặc biệt là với lính Trường Sa. Tôi đã được nghe rất nhiều kỷ niệm của chị với Trường Sa qua những công việc, những chuyến đi và những câu chuyện đời thường cảm động với lính đảo. Trong chị luôn thôi thúc phải làm điều gì đó để đem đến tinh thần vững chắc cho anh em lính đảo. Chị kể, trong chuyến ra với Trường Sa năm 2013, một đêm khó ngủ trên chiếc giường của lính nhường lại. Khi con tàu HQ-936 rời đảo Trường Sa Đông, trên hành trình chị đã khóc rất nhiều.
Khi về đất liền rồi chị day dứt khôn nguôi về tình cảm của những người lính. Cùng với công việc ở cơ quan, chị thường xuyên liên lạc với CBCS ở các đảo. Thường là chị hỏi ngoài đảo cần những thứ gì, giống rau ngoài ấy mùa này các em trồng ra sao?; Hạt giống hoa chị gửi ra có chịu được thời tiết?; các loại hoa trổ bông có đẹp không?; Máy ấp trứng hoạt động có ổn định không?;... Lâu ngày thành quen, lính đảo gọi tên rau, hoa chị Hà, máy ấp trứng chị Hà... khi nào không biết nữa. Bên tôi, chị kể tên một số anh em ở đảo nào, tâm tư tình cảm ra sao, dường như đó là những câu chuyện về người thân trong gia đình của chị. Cứ đến mùa chuyển quân, chuyển hàng Tết ra đảo, chị lại bận rộn với việc vận động ủng hộ quà Tết cho bộ đội...
Chị Hoàng Lệ Hà (giữa) với chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. |
Gần đến bán đảo Cam Ranh, không khí trong xe sôi nổi hẳn lên, mọi người cho tôi biết quà Tết năm năm nay gồm có các vật dụng gồm ảnh Bác, câu đối, hoa... trang trí ngày Tết cho 9 đảo nổi: Đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang. Chi đoàn Sở KH&CN đơn vị kết nghĩa với đảo Trường Sa Đông gửi phân bón, hạt giống rau. Điều làm tôi xúc động, các chị không kịp ăn bữa trưa vì mải đi mua đồ dùng, hạt giống rau và khuân về cả chiếc va ly to tướng để cho anh em gói ghém hành lý. Bùi Hoài Nam cho biết thêm, chuyến đi lần này nhằm thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên năm 2015, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” do Trung ương Đoàn phát động. Tuổi trẻ Khánh Hòa hướng về Trường Sa thân yêu bằng những hành động thiết thực, góp phần đảm bảo cho CBCS Trường Sa đón Xuân Ất Mùi 2015 đầy đủ, ấm cúng, vui vẻ, góp phần thắt chặt tình cảm quân dân.
Bán đảo hiện ra trong ngỡ ngàng, lạ mà quen. Hai bên con đường cũ bây giờ trở thành một công trường xây dựng. Tôi để mắt tìm những cánh mai rừng. Năm nay là năm nhuận, có lẽ mai rừng trổ bông sớm? Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh ra đón chúng tôi ở tận cổng doanh trại. Bộ đội ngồi chờ ở hội trường, thấy đoàn đến chạy ùa ra đón. Tiếng cười, sự trẻ trung của các cô gái dường như làm dịu đi cái khắc nghiệt của miền gió cát. Nhận được người thân, mấy chàng sĩ quan trẻ ôm quàng chị Lệ Hà, Nguyên Anh đưa vào hội trường. Những gương mặt người lính lần này ra làm nhiệm vụ các đảo lướt nhanh qua tôi trong không khí đầm ấm, thân thương. Thời gian trao nhận quà trôi qua rất nhanh.
Đảo nào cũng có quà Tết, ngoài đồ trang trí ngày Tết, Trường Sa Đông còn được nhận thêm hạt giống rau, Phan Vinh có bông và cây cho nhà chùa. Tôi nhanh chóng bứt khỏi không khí ở hội trường để đến với những người lính Tiểu đoàn 3. Trên một khoảng sân rộng, một không khí nhộn nhịp, hối hả chuẩn bị cho ngày lên đường. Hàng hóa Tết đã đang được khẩn trương đóng gói chuyển lên xe để đưa xuống tàu cho kịp. Bên cạnh các loại thực phẩm khô, rau xanh, củ quả... hàng Tết còn có gạo nếp Bắc, đậu xanh, hàng trăm con heo, lá dong gói bánh...
Năm nay, các đảo có thịt bò tươi trong tiêu chuẩn, đặc biệt là món thịt đà điểu của Tổng Cty Khánh Việt gửi tặng. Những cành mai rừng bó gọn đang được bộ đội chuyển lên xe. Ở một góc sân, rộ lên tiếng cười của cánh lính trẻ. Lính biển hồn nhiên vô tư, qua mấy tháng rèn luyện nắng gió thao trường tỏ ra bạo dạn, khiến các cô gái thành phố vào thăm luôn phải thẹn thùng giấu khuôn mặt ửng đỏ sau làn tóc xõa. Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng kéo tôi lại nhóm sĩ quan trẻ ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa Đông. Hùng quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, người rắn chắc, nước da đen ròn, nụ cười hiền. Hùng đã có 4 năm ở Trường Sa và đây là lần thứ 3 ra đảo.
Ngồi bên, chàng trai Xứ Quảng, Thượng úy Nguyễn Minh Tuấn, người đã có 2 năm ở đảo, với chất giọng mộc mạc miền Trung anh kể, vợ anh đang là điều dưỡng viên Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng TP Đà Nẵng. Sinh cháu đầu con trai, lần sau sinh đôi vẫn hai con trai. Ra Trường Sa lần này lòng cứ bồn chồn không yên, thương vợ một mình lo toan gánh vác mọi việc ở nhà. Nói đến đó Tuấn lại nhìn đăm đăm ra biển. Hồn nhiên và háo hức là hai chàng trung úy trẻ lần đầu ra đảo Ngô Anh Xuân, Phan Văn Hùng. Xuân quê ở Trực Ninh, Nam Định, dáng dong dỏng cao, khuôn mặt điển trai, ánh mắt hút hồn con gái, vậy mà khi hỏi chuyện chỉ cười bẽn lẽn. Hùng quê Lý Nhân, Hà Nam, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, gắn bó với bán đảo cũng được mấy năm. Chúng tôi miên man trong những câu chuyện về tết ở Trường Sa, những vui buồn đời thường của lính. Hùng cho biết, bộ đội ra đảo lần này hăng hái, phấn khởi và hạ quyết tâm rất cao, góp phần trong đó có sự động viên rất lớn của đất liền, của những người như chị Lệ Hà, Nguyên Anh...
Tạm biệt bố yêu thương. |
Tôi cùng anh chị em trong đoàn đến thăm những chú vịt biển ở khu tăng gia. Vịt biển cũng là một câu chuyện thú vị và người có công đưa chúng về đây là chị Lệ Hà. Ở đây, vịt được nuôi thử nghiệm để làm quen với môi trường biển và sau đó theo tàu đến với các đảo nổi ở Trường Sa. Chiều xuống nhanh, mọi người nán lại ăn bữa cơm chia tay với đại gia đình Tiểu đoàn 3, vui hết mình mà bịn rịn. Chị Lệ Hà phát biểu căn dặn từng người, mắt những người lính rưng rưng khi nghe chị nói: “Các em đi, đằng sau đó là sự chuẩn bị của cả nước. Các em ra ngoài đó làm nhiệm vụ gắng đừng để phụ lòng tin của đất liền”.
Tôi lặng lẽ bước ra ngoài trời, biển đêm, sóng ba bề vỗ vào bán đảo ì ùm, gió chướng thổi mạnh, những chiến hạm đậu sát cầu cảng lắc lư theo nhịp. Hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, hương vị biển như thấm sâu vào từng thớ thịt. Bất chợt nhớ về những dòng thư khi chia tay Trường Sa Đông của một người chị: “Tạm biệt các em! Những bàn tay thô ráp ấm nóng đến lạ thường, truyền cho chị sức mạnh, hơi thở của cuộc sống...”. Có những cuộc chia ly ngời sắc đỏ trong chiến tranh gây xúc động lòng người. Và, hôm nay trên bán đảo Cam Ranh, chúng tôi lại được sống trong khoảnh khắc ấy. Ngày mai các anh lên đường, tạm biệt các anh, tạm biệt những cánh én mang mùa xuân về với biển.
Bán đảo Cam Ranh 1-2015
Ghi chép: Nguyễn Xuân Tình