Tạm giữ hàng tấn bột ngọt bị nghi xâm phạm nhãn hiệu
(Cadn.com.vn) - Khoảng 7 tấn bột ngọt Ajino - Takara hiện đang được lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Đà Nẵng tạm giữ vì bị nghi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ. Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, lãnh đạo Chi cục QLTT cho biết đã gửi văn bản đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để trưng cầu giám định làm căn cứ xử lý.
Sản phẩm mỳ chính nhãn hiệu Ajino – Takara và sản phẩm mỳ chính của Ajinomoto. |
“Ba chữ tượng hình” khả nghi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng bột ngọt lớn bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa đang bị tạm giữ mang nhãn hiệu Ajino – Takara, sản xuất ở Thái Lan, được Cty TNHH sản xuất thương mại Hà Trung Hậu - trụ sở ở P. 26, Q.Bình Thạnh, TPHCM phân phối cho chi nhánh ở Đà Nẵng. Sản phẩm bột ngọt Ajino - Takara sử dụng “ba chữ tượng hình” trên bao bì giống với “ba chữ tượng hình” của Cty Ajinomoto Co.,INC (Nhật Bản).
Tháng 7-2015, phía Ajinomoto nghi ngờ thương hiệu bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, nên đã gửi mẫu vật, yêu cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) giám định “ba chữ tượng hình” trên gói mỳ chính Ajino – Takara. Theo Kết quả giám định số NH291-15YC/KLGĐ của Viện khoa học sở hữu trí tuệ thì, “ba chữ tượng hình” của Ajino- Takara tương tự ba chữ tượng hình của Ajinomoto (được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Kết luận giám định nêu rõ: Dấu hiệu “ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm bột ngọt như thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “ba chữ tượng hình” được bảo hộ của Cty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật Bản).
Viện này cũng phân tích rằng, chữ tượng hình trên cả 2 sản phẩm là ngôn ngữ người tiêu dùng Việt Nam không sử dụng được nên không đọc được, cũng không hiểu được nghĩa. Tuy nhiên khi so sánh “ba chữ tượng hình” trên hai sản phẩm thì chúng đều có ba chữ, trong đó chữ thứ hai rất đặc thù và giống hệt nhau, còn chữ thứ nhất cũng tương tự nhau. Riêng chữ thứ ba có khác nhau, nhưng xét về tổng thể có thể gây ra sự nhầm lẫn đối với người tiêu dùng khi được bày bán trong cùng một cửa hàng.
Nhãn hiệu của Ajinomoto (ngoài cùng bên trái) và nhãn hiệu của Ajino – Takara. |
Xử lý, vẫn phải chờ!
Ông Nguyễn Nho Hậu – Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết: Vụ việc này chỉ mới có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa chứ chưa có kết luận kết luận cuối cùng. Theo ông Hậu, phía Ajinomoto có cung cấp kết quả giám định theo yêu cầu của họ, nhưng phía Cty Hà Trung Hậu cũng đã cung cấp một số giấy tờ, hồ sơ liên quan chứng minh. “Vụ việc này không liên quan đến hàng giả hay hàng kém chất lượng mà chỉ là ý kiến về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa. Các sản phẩm đều được Bộ y tế cấp giấy chứng nhận về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện hai bên đều có quyền chứng minh là mình không vi phạm. Vì vậy, dù Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã có kết luận giám định, nhưng để đầy đủ cơ sở pháp lý, chúng tôi đã gửi văn bản ra Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để trưng cầu giám định, làm căn cứ xử lý. Nếu có xảy ra vi phạm về nhãn hiệu thì QLTT sẽ xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ” - ông Hậu nói.
Được biết, do khu nhà kho chứa hàng của Chi cục QLTT quá tải, nên toàn bộ số bột ngọt lớn này đã được niêm phong và cất giữ tại kho của Cty Hà Trung Hậu nhằm bảo đảm sản phẩm không bị hư hại. Và phía Cty cũng đã cam kết với Chi cục QLTT sẽ bảo quản tốt lô hàng, đồng thời giữ nguyên niêm phong cho đến khi có kết luận cuối cùng từ các cơ quan hữu trách.
Công Hạnh