20 NĂM HỢP TÁC QUỐC TẾ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN SAU CHIẾN TRANH TẠI QUẢNG TRỊ:

Tấm lòng của bạn bè quốc tế

Thứ bảy, 24/09/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Chiều 23-9, tại Hội nghị 20 năm Hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị (1996-2016), ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban chỉ đạo Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cho biết, sau năm 1975, toàn tỉnh chỉ còn lại 3 làng tạm gọi là nguyên vẹn trong tổng số hơn 11 ngàn làng bị bom đạn tàn phá trong chiến tranh. Đây là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh và là tỉnh đứng đầu cả nước về độ ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh. Chưa tính huyện đảo Cồn Cỏ, 9 huyện, thị, thành phố của Quảng Trị có hơn 390 ngàn ha đất ô nhiễm bom mìn nặng nề, chiếm gần 83% diện tích toàn tỉnh. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống, tài sản của nhân dân, an ninh, trật tự, ATXH, môi trường và sự phát triển bền vững.

Mặc dù Quảng Trị đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả chiến tranh nhưng hoạt động đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi một tỉnh nghèo như Quảng Trị chỉ sử dụng nguồn nội lực thì thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Từ đó, Quảng Trị xây dựng kế hoạch và tập trung vận động các tổ chức quốc tế giúp đỡ. Năm 1996, 1 năm sau ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Hoa Kỳ, Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam đã hỗ trợ Quảng Trị, khởi đầu cho một loạt các hoạt động hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau này. Tháng 5 - 1998, Quảng Trị bắt đầu hợp tác với tổ chức SODI (Đức), triển khai chương trình lồng ghép rà phá bom mìn và tái định cư tại H. Cam Lộ. Năm 1999, Nhóm cố vấn bom mìn MAG (Anh) triển khai hoạt động rà phá tại H. Gio Linh. Năm 2000, tổ chức CPI (Hoa Kỳ) ký văn bản hợp tác triển khai dự án rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân. Đến năm 2001, Quảng Trị tiếp nhận dự án giáo dục phòng tránh bom mìn của tổ chức CRS (Hoa Kỳ). Cũng trong năm này, Dự án RENEW, Chương trình lồng ghép tổng hợp hành động bom mìn ra đời với văn bản thỏa thuận ký kết giữa UBND tỉnh và Quỹ tưởng niệm CCB Hoa Kỳ tại Việt Nam (VVMF). Đến năm 2007, Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy ( NPA) chính thức thay thế vai trò của VVMF là đối tác chính của dự án RENEW. Vào năm 2012, tổ chức ROP ( Hoa Kỳ) triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sau rà phá. Năm 2014, tổ chức DDG (Đan Mạch) hợp tác triển khai mô hình kết nối cộng đồng với hoạt động rà phá, giáo dục phòng tránh bom mìn tại Hải Lăng.

Tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện rà phá bom mìn tại H. Hướng Hóa.

 Qua 20 năm hợp tác, các dự án đã tiến hành rà phá an toàn, "giải phóng" được trên 116 triệu mét vuông đất bị ô nhiễm nặng, xử lý an toàn gần 600 ngàn bom mìn, vật liệu nổ các loại. Hơn 360 ngàn học sinh và người dân được tiếp cận với chương trình "Giáo dục phòng tránh bom mìn - MRE" từ các chương trình do các tổ chức phi chính phủ tài trợ. 1.200 nạn nhân bom mìn và người khuyết tật được khám và cấp chân, tay giả cũng như các dụng cụ chỉnh hình để tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng hàng trăm nhà nhân đạo, trao học bổng cho con em nạn nhân bom mìn...Đặc biệt, chương trình phối hợp giữa các tổ chức, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động rà phá, hỗ trợ nạn nhân...

Phát biểu tại hội nghị, ông Bekim Shala, Giám đốc quốc gia MAG Việt Nam bày tỏ phấn khởi trước những thành tựu đạt được, đặc biệt qua phối hợp thông tin được chia sẻ đã phát huy điểm mạnh của các tổ chức, dự án nhằm thực hiện thành công hơn nữa. Đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định luôn mong muốn sự hỗ trợ hợp tác cùng các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn và thương vong do bom mìn gây ra, để người dân Quảng Trị có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trong suốt chặng đường 20 năm hợp tác giữa Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh đã đạt nhiều kết quả, đem lại sự an toàn cho người dân, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo. Với mục tiêu hướng đến mô hình "tỉnh an toàn" không còn tác động của bom mìn, vật liệu nổ đối với sự phát triển KT - XH, tạo môi trường an toàn cho dân cư sinh sống..., Quảng Trị tiếp tục kêu gọi đầu tư và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xây dựng "Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị"...cùng nhiều kế hoạch cụ thể khác. Nhằm ghi nhận những thành tích và đóng góp không nhỏ trong 20 năm hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, UBND tỉnh Quảng Trị khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân nước ngoài, cũng như trao tặng Bằng ghi nhận Tấm lòng vàng cho 4 tập thể đã có nhiều hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn gồm: Vụ các vấn đề nhân đạo, Bộ Ngoại giao Na Uy; Văn phòng giải trừ quân bị (WRA - Dos), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Cơ quan phát triển quốc tế (DFID), Bộ Ngoại giao Anh và Quỹ Viện trợ Ireland thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Ireland.

Bảo Hà