Tấm lòng người quản trang
Thương binh Phạm Tình, 67 tuổi (ở xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), đảm nhiệm công tác quản lý Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến từ năm 2009 đến nay. Với sự tận tâm, chăm chỉ và năng khiếu thẩm mỹ, ông đã làm cảnh quan nơi đây luôn xanh tươi, sạch đẹp như một điểm nhấn về mô hình Nghĩa trang – Công viên.
Ông Phạm Tình chăm sóc, sửa sang từng ngôi mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến. |
Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, ông Tình đã đến nghĩa trang, chăm chỉ kéo vòi tưới nước và chăm chút từng chậu hoa, cây cảnh, tỉ mỉ nhặt lá cây, nhổ cỏ cho từng ngôi mộ. Ông nhận công việc quản trang khi mức trợ cấp chỉ có 630.000 đồng/tháng. Hồi đó, nhiều người bảo phụ cấp quá thấp, không nên làm, nhưng ông nghĩ: “Mình còn sống đây trong khi biết bao đồng đội đã hy sinh, có nhiều đồng đội chưa tìm được hài cốt, cũng không ít đồng đội chưa xác định được họ tên, nên mình không thể so bì thiệt hơn và nếu ai cũng không nhận thì ai sẽ chăm sóc mộ phần của đồng đội?”.
Vợ ông, bà Đặng Thị Hà, cũng tình nguyện hỗ trợ chồng trong công việc quản trang. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông Tình thay nhau chăm sóc nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Ông tưới nước và chăm cây từ 4 giờ đến 9 giờ, rồi về lo việc ruộng vườn. Bà đến sau quét dọn phần mộ liệt sĩ, sân hành lễ và các lối đi. Tối 14 và tối ngày cuối tháng âm lịch, ông chuẩn bị hương đèn để Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên xã nhà đến dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến Trần Đình Thuyên, nhờ sự tỉ mỉ, chu đáo của vợ chồng ông Tình, hơn 1.200 phần mộ trong nghĩa trang luôn sạch sẽ, tươm tất, làm ấm lòng bao thân nhân liệt sĩ.
Mỗi độ Tết đến, người thân của liệt sĩ thường đến đặt ở phần mộ thân nhân một chậu hoa hoặc cây cảnh. Qua Tết, hoa tàn, ông Tình tận dụng các chậu hoa ấy trồng lại những loại hoa, cây cảnh mới. Cứ thế, sau nhiều năm, ông đã trồng hàng trăm chậu hoa, cây cảnh, đặt hai bên các lối đi và những vị trí thích hợp, tạo nên không gian xanh tươi, đẹp mắt khắp nghĩa trang. “Trong số hơn 1.200 mộ liệt sĩ tại nghĩa trang này có cha và anh tôi đang yên nghỉ cùng đồng đội”, ông Tình chia sẻ.
Chỉ vào ngôi mộ có chậu bát tiên hoa đỏ thắm, ông Tình cho biết, đây là mộ anh Đặng Tấn, Cán bộ Trung đội trưởng của Đại đội 2 Hòa Vang trong thời kỳ chống Mỹ, sau tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế và hy sinh tại Campuchia năm 1987. “Dẫu anh Tấn đã đi xa mấy mươi năm rồi nhưng trong lòng tôi, anh mãi mãi vẫn là người đồng đội thân yêu, quý mến! Mỗi năm 3 lần, vào ngày giỗ anh, ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 và dịp Tết Nguyên đán, tôi đều đặt trước mộ anh một chậu hoa tươi. Có điều gì vui buồn, tôi cũng đến “tâm sự” với Anh”, ông Tình bùi ngùi.
12 năm làm quản trang, ông Tình đã chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện cảm động. Có nhiều người từ miền Bắc lặn lội đến đây tìm phần mộ người thân hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng rồi đành ngậm ngùi ra về vì không tìm thấy. Cũng có những gia đình tìm được người thân của mình và vỡ òa trong niềm xúc động nghẹn ngào. Ông Tình nhớ mãi một gia đình ở tỉnh Thanh Hóa đã nhiều năm đi tìm kiếm phần mộ người thân mà chưa tìm được. Họ có người cháu đang công tác tại Đà Nẵng và người cháu ấy đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến hỏi thăm thông tin về người bác đã hy sinh.
Người cháu reo lên khi đọc đúng họ tên, năm sinh, quê quán… người bác của mình trên bia mộ và cả gia đình đã đến đây ngay sau đó. Họ mừng rỡ tột cùng khi tìm ra nơi an nghỉ của người thân. Họ càng cảm động khi phần mộ người thân được chăm sóc và hương khói chu đáo. Đó là Liệt sĩ Cao Huy Đảm, hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ và được cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến sau ngày đất nước thống nhất. Ông Tình bồi hồi nói: “Từ đó, vào ngày 27-7 và dịp đón Tết cổ truyền hằng năm, gia đình Liệt sĩ Cao Huy Đảm đều vào đây viếng mộ người thân đã hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi”…
Ngày ngày, ông Tình cùng với vợ miệt mài chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ bằng tất cả niềm trân trọng và lòng thành kính. Người cựu chiến binh già tự nhủ rằng, hễ còn sức khỏe là còn gắn bó với công việc uống nước nhớ nguồn này.
LÊ VĂN THƠM