Tạm ngừng sử dụng vaccine Johnson&Johnson vì hiện tượng máu đông hiếm gặp

Thứ năm, 15/04/2021 19:26

Sau vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca từng bị tạm ngừng sử dụng vì có liên quan với biến chứng đông máu rất hiếm sau tiêm (hiện đã được tiêm lại với sự thận trọng cao độ), giờ đây vaccine của Johnson& Johnson cũng chịu chung số phận vì lý do tương tự.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiêm vaccine Johnson&Johnson đầu tiên tại Cape Town. Ảnh: Reuters

Mỹ, Nam Phi và EU sẽ tạm thời ngừng sử dụng

BBC ngày 14-4 đưa tin: Mỹ, Nam Phi và Liên minh Châu Âu (EU) đã tuyên bố sẽ tạm thời ngừng triển khai vaccine COVID-19 của Johnson&Johnson sau khi gặp sự cố về hiện tượng đông máu hiếm gặp.

Trong đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, 6 trường hợp đông máu đã được phát hiện trong số hơn 6,8 triệu liều vaccine. Vaccine của Johnson&Johnson đã được cho phép sử dụng ở Mỹ vào ngày 27-2, nhưng vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna được sử dụng rộng rãi hơn.

Vaccine Johnson&Johnson đã được sử dụng cho gần 7 triệu người ở Mỹ, chiếm khoảng 3% tổng số người được tiêm chủng cho đến nay. Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu về COVID-19, nói còn quá sớm để đưa ra bình luận liệu vaccine này có thể bị thu hồi giấy phép hay không.

Nam Phi là quốc gia đầu tiên sử dụng vaccine Johnson&Johnson. Vaccine này rất được ưa chuộng ở Nam Phi sau khi các nghiên cứu cho thấy, nó có tỷ lệ chống lại biến thể Nam Phi cao hơn so với các loại vaccine khác. Kể từ giữa tháng 2, gần 300.000 nhân viên y tế đã tiêm vaccine Johnson&Johnson. Tuy nhiên, Nam Phi cũng đã tạm ngưng sử dụng dù không ghi nhận trường hợp đông máu nào. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đang theo dõi tình hình và chờ báo cáo từ các cơ quan quản lý của Mỹ và Châu Âu.

Johnson&Johnson nói gì?

Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao cả hai loại vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và Johnson& Johnson đều bị sự cố tương tự.

Trong khi đó, theo trang Medscape - trang mạng về y học phổ biến trong giới nghiên cứu, cả hai đều dùng công nghệ vector virus. Theo đó, các nhà sản xuất sử dụng virus đã được can thiệp làm cho vô hại, đóng vai trò như một vector hay còn gọi là phương tiện trung gian, mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Lợi ích của vaccine dùng công nghệ vector virus là người được tiêm sẽ được bảo vệ, mà không phải đối mặt với nguy cơ gặp các hậu quả nghiêm trọng vì mắc COVID-19. Lợi thế của công nghệ vector virus là nhà sản xuất có thời gian nghiên cứu phát triển trung bình, hiệu suất sản xuất cao do không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh.

Cho đến nay, các nhà khoa học ở Châu Âu mới phát hiện sự liên hệ giữa việc tiêm vaccine AstraZeneca và hiện tượng đông máu rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm ở người được tiêm, nhưng chưa rõ cơ chế nào gây ra hiện tượng này. Báo Guardian dẫn lời bác sĩ Jose Perdomo - nhà nghiên cứu cấp cao về huyết học tại Đại học St. George và Sutherland, Australia - cho biết: “Chúng ta biết điều gì đang xảy ra, nhưng “tại sao” thì vẫn còn là điều bí ẩn”.

Johnson&Johnson là một công ty chăm sóc sức khỏe của Mỹ, nhưng loại vaccine này được phát triển chủ yếu bởi nhánh dược phẩm của công ty tại Bỉ, còn được gọi là Janssen. Không giống một số vaccine khác, vaccine này được tiêm một mũi duy nhất và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, giúp việc phân phối dễ dàng hơn ở những vùng có khí hậu nóng hơn hoặc những vùng sâu vùng xa.

Trong một thông báo, Johnson& Johnson cho biết đã chia sẻ “tất cả các sự việc không thuận lợi” với các cơ quan y tế và nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi biết các sự cố đông máu gồm các trường hợp rối loạn giảm tiểu cầu được báo cáo liên quan tới vaccine COVID-19. Hiện tại, chúng tôi chưa rõ mối liên hệ giữa các trường hợp hiếm này với vaccince COVID-19 của Johnson&Johnson”.

KHẢ ANH