“Tầm soát” bãi rác Khánh Sơn
Những ngày qua, hai tổ công tác của Phòng Quan trắc môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tiến hành “bắt đỉnh” khung giờ, dùng máy chuyên dụng để “tầm soát” vùng lõi và xung quanh bãi rác Khánh Sơn. Việc triển khai thu mẫu không khí ở các khu vực mà người dân phản ánh là tồn tại mùi hôi 24/24 giờ trong ngày nhằm phân tích 3 chỉ số cơ bản, đưa ra câu trả lời cho hiện trạng bãi rác vốn được xem là điểm nóng về ô nhiễm trong nhiều năm qua.
Một góc bãi rác Khánh Sơn. |
Lấy mẫu trong thời gian “đỉnh hôi”
Bắt đầu từ 4 giờ đến 6 giờ sáng hàng ngày, hai tổ công tác do đích thân lãnh đạo Phòng Quan trắc môi trường phụ trách bắt đầu triển khai máy móc, dụng cụ để thực hiện các thao tác lấy mẫu không khí trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở, đơn vị quản lý, vận hành bãi rác Khánh Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Liên Chiểu. Các mẫu được lấy trong thời gian 30 phút sẽ được niêm phong, lập biên bản trước khi chuyển về thực hiện phân tích các chỉ số liên quan. Cũng với thao tác đó, trong khung giờ từ 18 đến 20 giờ, nhiệm vụ này sẽ được lặp lại.
Ông Trần Đình Sơn – Trưởng phòng Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng), người trực tiếp chịu trách nhiệm chiến dịch lấy mẫu “tầm soát” tại bãi rác Khánh Sơn cho biết, cán bộ chuyên môn sẽ tiến hành lấy mẫu không khí ở vùng lõi bãi rác Khánh Sơn, đường Phạm Thị Lam Anh (thuộc tổ 70, P. Hòa Khánh Nam), ngã ba đường Hoàng Văn Thái – Trà Na 3, ngã tư Hoàng Văn Thái – Huỳnh Thị Bảo Hòa để kiểm tra các chỉ số liên quan đến ô nhiễm. Các mẫu không khí được phân tích thông số vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, tốc độ gió) và các chất NH3, H2S, Methyl mecarptan. Bên cạnh số liệu có được từ đo đạc, cán bộ, nhân viên quan trắc cũng tiến hành ghi biên bản về vị trí lấy mẫu và ghi nhận xét về mùi hôi bằng cảm quan, tần suất xuất hiện, nguồn phát sinh mùi hôi. “Chúng tôi chọn thời gian và vị trí mà người dân phản ánh là mùi hôi nhiều nhất trong ngày. Mọi hoạt động được thực hiện công khai, có sự giám sát của đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan. Ở trong khu dân cư thì có sự chứng kiến của người dân”, ông Sơn cho hay. Phụ trách tổ lấy mẫu trong khu dân cư, ông Huỳnh Ngọc Kháng – Phó trưởng phòng Quan trắc môi trường cho biết, việc lấy mẫu được thực hiện liên tục trong thời gian một tuần, các chỉ số được phân tích đều là những chất đặc trưng của mùi hôi. Theo ông Kháng: “Kế hoạch, nội dung cụ thể được thông báo cho người dân. Các gia đình cũng hợp tác để cơ quan chức năng triển khai máy móc, con người thực hiện ngay trước cổng ra vào của từng nhà, tại các vị trí đông dân cư”.
Chị Phạm Thị Mai Quỳnh (trú số 1 đường Huỳnh Thị Bảo Hòa, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) cho biết, trong những ngày qua lực lượng chức năng làm việc nghiêm túc trước sự chứng kiến của người dân địa phương và các đơn vị liên quan. Điều mà bà con quan tâm là việc phân tích, kiểm nghiệm sẽ đưa ra con số phản ánh chính xác thực tế. “Hồi trước thành phố bàn chuyện di dời bãi rác, nhưng bây giờ hình như phương án đó chưa thực hiện mà chỉ là nâng cấp bãi rác hiện tại và đầu tư công nghệ xử lý. Dù cách nào thì người dân chúng tôi chỉ muốn một điều là sáng ra đi làm, tối về nghỉ ngơi được hít thở không khí trong lành. Đừng để khi đi đo đạc kiểm tra thì xử lý tốt, cho con số đẹp, đến khi kết thúc thì lại hôi. Như thế người dân sẽ mất niềm tin”, chị Quỳnh kiến nghị.
Lấy mẫu không khí trong khu dân cư vào giờ cao điểm buổi tối mà người dân phản ảnh là “đỉnh hôi”. |
“Nhiều công nghệ mới cải thiện ô nhiễm”
Theo ông Nguyễn Đăng Huy - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải, đơn vị quản lý, vận hành bãi rác Khánh Sơn, với sự đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ của UBND thành phố, hiện nhiều bất cập của bãi rác đang được khắc phục để cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm. Trước đây, sau khi đổ rác xuống sẽ thực hiện lấp đất lên nhưng từ gần 2 năm nay đã thực hiện nghiêm quy trình san gạt, phun chế phẩm xử lý mùi hôi, phủ lớp đất dày 20 cm rồi tiến hành phủ lớp bạt đặc biệt vừa hạn chế mùi hôi khuếch tán trong không khí vừa ngăn nước mưa thấm vào gây ra nước rỉ rác. “Hiện tại 80% diện tích bãi đã được phủ bạt. Loại bạt này trơ về mặt hóa học, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, độ phủ kín tốt và đặc biệt là dẫn nước mưa về hệ thống thoát nước riêng. Nói chung những năm qua thành phố quan tâm đầu tư xử lý những tồn tại của bãi rác nên đã mang lại kết quả tích cực, khắc phục được nhiều vấn đề”, ông Huy cho hay. Cũng theo ông Huy, trong kế hoạch nâng cấp bãi rác thì phần bao đê sẽ được nâng cao, tăng sức chứa, xử lý hệ thống thoát nước đồng thời mở rộng thêm hộc rác số 6. Cho đến hiện tại bãi vẫn chưa đạt cao trình, đảm bảo hoạt động đáp ứng công suất 1.000 tấn/ ngày đêm. Ngoài diện tích, cao trình đáp ứng việc chôn lấp, dự án nâng cấp, xử lý nước rỉ rác đã tiến hành giai đoạn 1 với công suất 700m3/ngày đêm và đang tiến hành giai đoạn 2 công suất 1.050m3/ngày đêm sẽ thu gom, xử lý tối đa nước rỉ rác ra ngoài khu dân cư. “Quản lý bãi rác thì như làm dâu trăm họ. Người dân phản ánh thì mình phải ghi nhận và từng bước khắc phục chứ không thể nào khác. Với sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố, chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức để mọi chuyện tốt hơn lên so với trước đây”, ông Huy trao đổi.
Theo ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, việc thực hiện lấy mẫu không khí ở vùng lõi và xung quanh bãi rác Khánh Sơn nhằm thu thập các số liệu, kiểm chứng phản ánh của người dân cho rằng không khí tại đây ô nhiễm, phát tán mùi hôi, gây hại cho sức khỏe suốt tất cả các thời gian trong ngày. Các chỉ số quan trắc, đo đạc cũng để phục vụ đánh giá lại hiệu quả các biện pháp xử lý mà Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, đơn vị vận hành bãi rác Khánh Sơn đã tiến hành trong thời gian qua để tiếp tục có những điều chỉnh. “Việc thực hiện lấy mẫu được tiến hành liên tục trong thời gian một tuần cả lúc trời nắng cũng như trời mưa để cho kết quả khách quan nhất. Cùng với việc này, hiện tại chúng tôi giám sát 24/24 hoạt động của bãi rác qua camera kết nối từ hiện trường để đảm bảo quy trình tập kết, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt. Với các biện pháp mà thành phố đã đầu tư, thời gian qua mùi hôi phát tán từ bãi rác, vấn đề ô nhiễm từ nước rỉ rác đã được khắc phục đáng kể so với trước đây”, ông Hùng đánh giá.
CÔNG KHANH