Tâm tình nữ phóng viên tập sự
Thấm thoắt đã gần 3 tháng trôi qua kể từ khi tôi vào làm việc tại Báo Công an TP Đà Nẵng ở vị trí phóng viên tập sự. Có lẽ, 3 tháng không phải quá dài nhưng là khoảng thời gian quý báu bởi tôi có cơ hội được thực hành nghề báo ở một môi trường chuyên nghiệp và học hỏi kinh nghiệm của các phóng viên, nhà báo kỳ cựu. Hành trình khởi đầu tại tờ báo luôn chứa đầy những điều bỡ ngỡ, gian nan nhưng cũng để lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên trong tôi.
Phóng viên Nguyễn Liên (thứ 2 bên phải qua) trong một lần cùng CBCS Bệnh xá CATP Đà Nẵng và cán bộ Bệnh viện 199 (Bộ Công an) thăm khám và phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng. |
Từ khi còn là một độc giả của Báo Công an TP Đà Nẵng, tôi luôn ấp ủ dự định xin vào làm việc tại tòa soạn. Rồi ngày đó cũng đến. Tâm trạng lúc đó thật khó tả, một chút háo hức, trông ngóng xen lẫn bồn chồn, lo lắng, thứ cảm giác mà có lẽ ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần trong cuộc đời khi bắt đầu đi làm ở một môi trường mới.
Ngày tôi đi nhận việc tại tòa soạn cũng là ngày đầu tiên trong cuộc đời cô con gái bé bỏng của tôi cắp sách đến trường. Hôm đó, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Tôi tới gặp và làm quen với các anh chị trong Ban Phóng viên và buổi chiều về đón con, cô giáo khen bé ngoan và không khóc nhè.
Trong những ngày tiếp theo, mặc dù bận rộn là thế nhưng mỗi khi đi qua chỗ những đồng nghiệp mới, các anh chị đều dừng lại và không ngần ngại truyền đạt một số kinh nghiệm làm báo. Và các đồng nghiệp trong Ban Phóng viên ai cũng đều sẵn sàng giang tay giúp đỡ khi phóng viên mới gặp khó khăn trong công việc. Trong những lần có dịp trò chuyện, các "tiền bối" luôn gửi gắm ở chúng tôi cần trau dồi đạo đức của người làm báo và giữ gìn uy tín của tờ báo mà trong suốt 33 năm nay bao thế hệ đã gây dựng.
Tôi vẫn nhớ như in sản phẩm đầu tiên được đăng trên báo Công an TP Đà Nẵng, đó là một tin vắn ở trang 20 - tin tức mọi mặt. Những ngày sau đó, thi thoảng có một số bài viết đề bút danh Nguyễn Liên xuất hiện trên một góc nhỏ của tờ báo khiến tôi vỡ òa trong sung sướng và như được tiếp thêm năng lượng. Tôi dành thời gian đọc đi đọc lại những bài báo đó một cách say sưa rồi so sánh với bản gốc gửi đi để khắc phục thiếu sót và dần nhận ra rằng, để có một tác phẩm chỉn chu mang đến bạn đọc Ban Biên tập đã tốn không ít thời gian chỉnh sửa từ nội dung lẫn cách trình bày.
Một lần khi tôi đang đi tác nghiệp ở ngoại thành, điện thoại "ting ting" báo tin nhắn tòa soạn vừa chuyển tiền nhuận bút vào tài khoản ngân hàng. Cả ngày hôm đó tôi như đi trên mây vẽ ra bao nhiêu dự định mua sắm trong đầu. Thế nhưng, "người tính không bằng trời tính", bỗng dưng cái máy ảnh trước đó đang dùng tốt lại cho ra bức ảnh bị mờ nét cho dù tôi thử đủ mọi cách. Vậy là toàn bộ số tiền nhuận bút lại nằm trọn trong túi của ông chủ tiệm sửa máy ảnh và những dự định kia đành gác lại chờ tháng tiếp theo.
Những ngày bình yên chẳng được bao lâu, đứa con gái vừa tròn 2 tuổi của tôi sau tuần đầu tiên đi học ở trường mẫu giáo lại ốm sốt và phải nhập viện lúc nửa đêm, sau khi thăm khám bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày ruột. Tôi đành nhắn tin xin phép cô Thu Hương - Phó Tổng biên tập nghỉ 3 ngày để toàn tâm toàn ý chăm con khỏe hẳn. Cô Thu Hương đồng ý và gửi lời động viên dành thời gian chăm con. Sau khi hết 3 ngày nghỉ phép, con vẫn còn nằm ở bệnh viện, hai vợ chồng ngồi lại bàn bạc và chồng quyết định xin nghỉ phép trông nom con để vợ đi làm. Cũng trong tuần đó, bản thân tôi phạm phải một sai lầm khi triển khai đề tài "vấn nạn bằng cấp giả" và Ban Biên tập trả lại bài. Đó có lẽ là bài học quý báu để một phóng viên mới vào nghề vững vàng hơn trong những lần tác nghiệp kế tiếp.
Phóng viên Nguyễn Liên trong một lần ghi nhận tình hình giãn cách xã hội tại xã Hòa Liên, H. Hòa Vang trong mùa dịch Covid-9. |
Rồi thời gian cứ thế trôi qua, sự bỡ ngỡ dần bỏ lại sau lưng cũng là lúc Đà Nẵng lại tiếp tục đương đầu với đại dịch Covid-19 lần 2 sau 99 ngày bình yên. Nhóm phóng viên tập sự được phân công nhiệm vụ hỗ trợ các anh phụ trách mảng y tế để ghi nhận thông tin, tình hình dịch bệnh. So với các anh chị đi trước, chúng tôi được phân công những đề tài nhẹ nhàng hơn và đến những khu vực an toàn, ít có nguy cơ lây nhiễm hơn. Trước mỗi lần đi làm lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp trong Ban Phóng viên luôn nhắc nhở chúng tôi đảm bảo an toàn. Đối với những đề tài cần phỏng vấn nhân viên y tế hay các CBCS, nếu cảm thấy có nguy cơ lây nhiễm, những người mới tập tành vào nghề đều được hướng dẫn những cách tiếp cận vừa đảm bảo tính chân thực, kịp thời vừa đảm bảo sức khỏe.
Đã hơn 20 ngày lặn lội ngoài đường, đến những điểm nóng dịch bệnh để ghi nhận và phản ánh tình hình mọi người trong "Tổ nóng Covid-19" vẫn an toàn nhưng Đà Nẵng vẫn chưa vượt qua "trận ốm". Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ vững đôi chân, chắc tay bút xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Không riêng tôi mà nhóm phóng viên tập sự thầm cảm ơn những điều tốt đẹp mà lãnh đạo tờ báo cùng các anh chị đồng nghiệp đã ưu ái dành cho chúng tôi. Tôi biết rằng, chặng đường phía trước chắc hẳn sẽ còn rất nhiều khó khăn, chông gai với một phóng viên nữ. Tuy nhiên, bên cạnh tôi luôn có gia đình động viên, san sẻ thời gian và lãnh đạo, đồng nghiệp vẫn tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ. Điều đó khiến tôi luôn cảm thấy biết ơn, trân quý và lấy đó làm động lực phấn đấu hơn trong công việc.
NGUYỄN LIÊN