Tân Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Đặc biệt chú trọng hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ

Thứ năm, 14/04/2016 08:52

(Cadn.com.vn) - TS Chu Ngọc Anh, tân Bộ trưởng Bộ KH&CN đã chia sẻ với báo chí về những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành trong nhiệm kỳ. Bộ trưởng cho biết, ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ sắp tới của tôi là tập trung chỉ đạo thực hiện thành công các định hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 20-NQ/TW, những ưu tiên và trọng tâm công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, sao cho khoa học và công nghệ tác động trực tiếp và mạnh mẽ hơn tới năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. 

Muốn vậy, cần xác định trúng và đúng tầm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, xuất phát từ thực tiễn và giải quyết được các yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển đất nước, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhân tố con người là quan trọng nhất. 

Cần gây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh trong nước và ở nước ngoài, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; đào tạo, trọng dụng người tài kết hợp với đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần đảm bảo phương tiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ khoa học. Đầu tư có hiệu quả cho hạ tầng khoa học và công nghệ, trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nguồn lực thông tin và tài chính, kể cả hạ tầng mềm, đó là môi trường học thuật tiên tiến, lành mạnh. 

Có con người giỏi và phương tiện hiện đại chưa đủ, chúng ta cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo, nới rộng quyền tự chủ đi đôi với đánh giá công khai, minh bạch kết quả hoạt động nghiên cứu. Cuối cùng, với một nước đi sau như Việt Nam, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước để có thể tham gia hợp tác đối tác bình đẳng và cùng có lợi trong dài hạn.

V.H (thực hiện)