Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thẳng thắn với Nhà trắng?
(Cadn.com.vn) - Với 93 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 12-2 đã chính thức phê chuẩn ông Ashton Carter làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của nước này. Ông Carter sẽ kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Chuck Hagel và trở thành ông chủ thứ 4 của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama. Ông Carter từng tuyên bố sẽ không né tránh bất đồng với Nhà Trắng.
Khác với những người tiền nhiệm
Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ tuần trước, ông Ash Carter, người được chính quyền tổng thống Obama chọn thay thế ông Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tuyên bố với các nhà lập pháp rằng ông sẽ không bị áp đặt bởi Nhà Trắng. Ông Carter, một nhà tư tưởng rất coi trọng vấn đề quốc phòng và an ninh, sẽ giữ lời hứa của mình và có thể xảy ra mâu thuẫn với Nhà Trắng về các vấn đề quan trọng của chính sách.
Tuy nhiên, ông Carter có khả năng phải đối mặt với rủi ro bị cô lập trong nội các giống người tiền nhiệm Chuck Hagel. Nếu những Bộ trưởng Quốc phòng trước đây cuối cùng cũng thực hiện theo mọi kế hoạch của Nhà Trắng, ông Carter sẽ làm điều ngược lại. "Carter là một người kiêu ngạo và sẽ không vui vẻ cam chịu những chính sách ngu ngốc", một cựu quan chức Nhà Trắng nói với trang Politico.
Ông Ash Carter - người sắp được bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Diplomat |
Ý kiến trái chiều
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho thấy thái độ hoài nghi về những tuyên bố của ông Carter. "Tôi tự tin rằng ông ấy sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào", ông McCain tuyên bố.
Ông McCain không bị thuyết phục bởi câu trả lời của ông Carter cho câu hỏi: "Nếu tình hình an ninh ở Afghanistan suy yếu trong năm 2016, ông có đề xuất lên Tổng thống một vài thay đổi trong kế hoạch giải ngân để giải quyết thỏa đáng vấn đề này?". Theo ông McCain, tất cả các quyết định đều phải được thông qua bởi 3 hoặc 4 người có ảnh hưởng ở Nhà Trắng bao gồm Tổng thống, cố vấn an ninh quốc gia và các quan chức tình báo cấp cao.
Theo ông Carter, mối quan hệ của ông với Nhà Trắng sẽ không hoàn toàn đối lập. Thay vào đó, ông sẽ giúp ích cho Nhà Trắng rất nhiều với sự hiểu biết của mình về các vấn đề quốc phòng và an ninh, thậm chí là những lời khuyên đi ngược với những kế hoạch ngắn hạn và trung hạn hay liên quan đến những vấn đề không được công nhận về mặt chính trị. "Tôi đã hứa với Tổng thống Obama rằng tôi sẽ cho ông ấy lời khuyên về chiến lược thẳng thắn nhất của tôi. Tôi cũng sẽ đảm bảo rằng, tổng thống nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp về quân sự", ông Carter nói với ủy ban điều trần tuần trước.
Ngay sau phiên điều trần vào tuần trước, ông Carter dường như đã sẵn sàng bước vào vị trí cao nhất ở Lầu Năm Góc. Nếu người tiền nhiệm Chuck Hagel thể hiện sự lúng túng trước Thượng viện trong buổi điều trần, sự thành thật và uy tín của ông Carter sẽ là sức mạnh thiết yếu cho những kế hoạch của Nhà Trắng đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế từ Đông Âu tới Trung Đông.
Trong buổi điều trần, ông Carter dường như đã giành được sự tín nhiệm của các nhà phê bình. Đảng Cộng hòa luôn mong muốn nhìn thấy quân đội Mỹ chủ động hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức trên toàn thế giới và xem ông Carter là một người đáng tin cậy cho những lợi ích của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, đảng Dân chủ lại cho rằng ông Carter sẽ là một "cái gai" của Nhà trắng.
Kết
Tóm lại, ông Carter chính là Bộ trưởng Quốc phòng mà Nhà Trắng đang tìm kiếm. Sức ảnh hưởng lên cả hai đảng của ông Carter đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nhà Trắng đi đến một thỏa thuận với Đảng Cộng hòa về tăng chi tiêu quốc phòng cần thiết. Các nhà phê bình tin tưởng ông Carter về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng. Liệu ông Carter sẽ tạo nên điều khác biệt cho vấn đề quốc phòng và an ninh của Mỹ hay chỉ là một "con rối" trong tay Nhà Trắng?
An Bình
(Theo Diplomat)