Tân Chủ tịch JCS và lời hứa cải cách quốc phòng

Thứ bảy, 13/10/2018 12:40

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 12-10 đã bổ nhiệm Tư lệnh tác chiến số 2 Lục quân, tướng Park Han-ki, 58 tuổi làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), thay thế ông Jeong Kyeong-doo, người vừa mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Park Han-ki đã nhắc lại cam kết thúc đẩy "một cách có hệ thống và tích cực" cải cách quốc phòng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) bổ nhiệm Tướng Park Han-ki làm Chủ tịch JCS trong một buổi lễ được tổ chức tại Nhà Xanh ngày 12-10.  Ảnh: Yonhap

Trong thông báo trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông cáo nhấn mạnh, ông Park Han-ki là người phù hợp với trọng trách Chủ tịch JCS quân bởi trình độ chuyên môn và khả năng lãnh đạo, cũng như có năng lực tăng cường tính gắn kết giữa các binh sĩ và dẫn dắt công cuộc cải cách phòng vệ đất nước. Ông Park Han-ki là Chủ tịch JCS xuất thân từ các trường quân sự, sau 20 năm kể từ thời cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Kim Jin-ho năm 1988. Quốc hội Hàn Quốc hôm 10-10 cũng đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Park.

Thúc đẩy cải cách quốc phòng

Phát biểu trong cuộc họp kiểm toán của Quốc hội cùng ngày, ông Park Han-ki đã nhắc lại cam kết thúc đẩy "một cách có hệ thống và tích cực" cải cách quốc phòng và chuyển giao sự kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON).

Ngoài ra, ông Park cũng nhấn mạnh sẽ cố gắng thực thi thỏa thuận quân sự liên Triều gần đây nhằm giảm căng thẳng, cũng như ngăn chặn những vụ va chạm bất ngờ và xây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Ông nói: "Trong khi vẫn giữ được khả năng và tư thế của liên minh Hàn- Mỹ thông qua sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ, chúng tôi sẽ tập trung năng lượng của mình một cách có hệ thống và tích cực theo đuổi Sáng kiến Cải cách Quốc phòng 2.0 và OPCON.

Sáng kiến cải cách nhằm mục đích làm cho quân đội đất nước nhỏ hơn nhưng thông minh hơn bằng cách giảm số nhân viên dư thừa trong khi kết hợp các công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái và robot để tăng cường khả năng sẵn sàng và chiến đấu. Seoul và Washington đã đẩy mạnh việc chuyển giao OPCON có điều kiện theo các khả năng quân sự của Hàn Quốc và các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên.

Về thỏa thuận quân sự liên Triều, ông Park cam kết sẽ ủng hộ các nỗ lực chính sách của Seoul cho nền hòa bình lâu dài và sự thịnh vượng chung trên bán đảo. Thỏa thuận được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, kêu gọi những nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tất cả các hành vi thù địch chống lại nhau và loại bỏ nguy cơ chiến tranh. Nỗ lực này bao gồm rút một số chốt biên phòng, giải giáp khu vực an ninh chung trong Khu phi quân sự và thiết lập các vùng đệm trên mặt đất, biển và trên không để ngăn chặn các xung đột không chủ định.

Linh hoạt vấn đề triển khai vũ khí của Mỹ tại Hàn Quốc

Trong bài phát biểu, Chủ tịch JCS cũng cho biết sẽ "linh hoạt" giải quyết vấn đề triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc và kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ quan trọng với sự tiến bộ trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Phát biểu này của ông Park Han-ki dẫn đến suy đoán rằng có thể Hàn Quốc không yêu cầu một Mỹ đưa những tài sản ghê gớm, như máy bay ném bom có khả năng hạt nhân và tàu sân bay đến nước này, cũng như sẽ tính toán lại quy mô của hệ thống "ba trục", trung tâm của các nỗ lực chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. "Phù hợp với những thay đổi trong môi trường an ninh và với tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chúng tôi sẽ xem xét linh hoạt việc triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ và hệ thống ba trục", ông Park cho biết.

Chủ tịch JCS cũng đề cập đến kế hoạch thiết lập một hệ thống để đối phó với các mối đe dọa liên tục từ pháo binh tầm xa của Triều Tiên. "Chúng tôi đã theo đuổi việc triển khai một hệ thống vũ khí phù hợp với môi trường hoạt động của nước ta, để giảm thiểu thiệt hại từ một vụ nổ tiềm tàng của các cuộc tấn công pháo binh tầm xa của miền Bắc", ông nói.

AN BÌNH