Tận diệt chồn bay
(Cadn.com.vn) - “Rừng còn Tây Giang còn, rừng mất Tây Giang suy vong” đó là khẩu hiệu mà huyện miền núi Tây Giang (Quảng
Săn lùng chồn bay...
Theo già làng Cơlâu Nâm trú thôn Pơrning (xã Lăng), trước đây chồn bay ít người bắt được, nó chủ yếu sống trên cây cao và ngủ trong hốc cây, vì thế việc dùng bẫy bằng dây không hiệu quả. Người dân địa phương ít khi ăn được thịt chồn bay, vì chỉ có người dùng súng mới bắt được nó.
Theo chân anh Arất Trực, thợ săn chồn bay, tôi mới thấm thía cảm giác của thợ săn khi hạ được loài thú biết bay này. Arất Trực kể, loài này rất khó bắt, ban ngày chúng ngủ, ban đêm mới ra ăn, mỗi lần đi săn phải đi trong đêm khuya mới phát hiện được chúng. Khi gặp những cây có quả, chúng bu đến cả chục con, cầm đèn pin soi lên mắt chúng gặp đôi mắt phản quang lại, cứ thế mà ngắm bắn. Mỗi đêm có thể bắn được 4 - 6 con, có đêm trúng cả 10 đến 15 con, nhiều lúc cõng không nổi phải bỏ lại, nhưng có đêm cũng không có con nào, vì chúng không ra ăn.
![]() |
"Thành tích" sau một đêm đi săn chồn bay. |
Tôi được giao nhiệm vụ điều khiển mô-tô, anh Trực ngồi sau, vai vác súng thể thao, tay cầm đèn pin soi lia lịa hai bên đường. Gặp những cây to, cao, anh đập nhẹ vào thân đùi tôi ra hiệu đi chậm, dừng xe lại và nổ máy để đèn sáng rực. Thế rồi anh xuống xe, soi thẳng lên thân cây to đang có tiếng động trên cành cây và tiếng rơi lụp bụp phá vỡ sự yên tĩnh trong đêm khuya. Tôi vẫn ngồi yên trên xe theo sự chỉ bảo của anh Trực, trên cây nhiều cặp mắt đang sáng trực khắp thân cây nhìn xuống đèn anh Trực đang cầm trên tay. Đạn phát nổ, nghe bụp xuống đất, những con còn lại dang đôi cánh rộng xà vút xuống cây khác, chỉ nghe được tiếng lao vút trong đêm. Phát thứ hai nổ tiếp, nghe bụp nữa. Vậy là hai con đã rơi xuống đất, máu vãi bê bết khắp thân cây.
Trong đêm rừng tối đen như mực, chồn bay có thể bay từ cây này qua cây khác mà hoàn toàn không bị ngã hoặc bị vướng phải dây leo, bụi rậm mọc chằng chịt trong khắp khu rừng. Chồn bay có một đời sống sinh thái, thức ăn và tập tính hoàn toàn khác biệt với các loài khác. Nhằm thích nghi với đời sống leo trèo trên cây nên chúng có móng vuốt sắc nhọn để bám chắc vào lớp vỏ cây mỗi khi leo trèo tìm kiếm thức ăn. Do hoàn toàn sống trên cây, trên cành cây và hầu như không bao giờ xuống mặt đất cho nên nó di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách dương màng cánh da lượn trong không trung. Khả năng bay lượn của chúng chủ yếu từ trên cao xuống thấp, do vậy mỗi lần chuyền từ cây này qua cây khác chúng phải leo lên vị trí cao nhất của thân cây để “bay”. Hoạt động ban đêm rất thiếu ánh sáng nhưng khả năng nhận biết điểm đậu trên thân cây rừng của chúng rất chính xác. Hơn nữa trong lúc bay hầu như không phát ra tiếng động lớn và ồn ào khiến chúng không bị con mồi và kẻ thù phát hiện.
![]() |
Khu rừng rậm, là nơi chồn bay thường tìm đến kiếm ăn. |
Đặc sản apứa chồn bay...
Apứa là một món ăn đặc biệt. Đặc biệt vì nó được làm từ những cái mà người ta vứt đi. Người Cơ Tu nơi đây đã biết chế biến món đặc sản này từ lâu lắm rồi. Cách làm rất đơn giản, lấy nguyên ruột non bằm nát lại, rồi nấu chung với thịt. Món apứa này có mùi đặc trưng riêng, ai chưa quen thì ít khi ăn được, nhưng khi đã quen rồi thì lại thấy thèm ăn nữa. Theo những người cao niên, bao tử chồn bay giống như bao tử nhím, chữa được nhiều bệnh, còn ruột non có vị đắng, ăn vào chữa được các bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, chồn bay còn bổ dưỡng gân cốt, trị các chứng về đau gân cốt của người già, đặt biệt chữa bệnh tiểu đường rất hiệu quả, uống cao hoặc rượu chồn bay vào bảo đảm lượng đường trong máu người bệnh không tăng. Chính vì thế, hiện nay nhiều người vẫn săn lùng thịt chồn bay còn tươi để về chế biến món ăn đặc sản. Một số nhà hàng cũng đang thu mua từ người dân để bán lại với giá từ 500 ngàn đến 700 ngàn/con... Chính vì vậy mà nghề săn chồn bay ngày một đắt đỏ và nguy cơ loài động vật quý hiếm này tuyệt chủng là rất cao...
Nguy cơ tuyệt chủng
Hiện nay, việc săn bắn chồn bay trên địa bàn H. Tây Giang đang diễn ra ngày đêm dọc theo các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường lên các xã vùng cao và một số tuyến nhánh trung tâm huyện. Ngoài ra, trong các khu rừng rậm, nhiều người có súng vẫn thường xuyên soi rọi, săn bắn để đem về bán kiếm lời. Số lượng chồn bay giờ đây không còn nhiều, những người đi săn cũng không bắn được nhiều như vài năm trước đây. Loài thú biết bay này giờ đây đã được đưa vào sách đỏ để được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng nạn săn bắn và phá rừng bừa bãi đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh sống của quần thể chồn bay, làm giảm dần số lượng loài. Điều đáng nói việc hủy diệt chồn bay là do ý thức con người trong việc tùy tiện sử dụng súng thể thao để đi săn bắn tự do tại các ven đường, rừng rậm. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác vận động, thu hồi các loại vật liệu nổ để giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái rừng, đặc biệt là các loài sinh cảnh nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ như chồn bay.
Bài, ảnh: Bh’riu Quân- Đình Hiệp