Tân Giám đốc ISI và những thách thức

Thứ bảy, 04/10/2014 09:43

(Cadn.com.vn) - Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) vừa đón chào Tân Tổng giám đốc, trung tướng Rizwan Akhtar. Giám đốc ISI là người có quyền lực thứ hai trong quân đội, và có thể là trong cả nước, chỉ sau chỉ huy quân đội. Được mệnh danh là “người lính chuyên nghiệp” và có kinh nghiệm trong các hoạt động chống nổi dậy, nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi liệu ông có thể khôi phục vấn đề an ninh nội bộ của quốc gia Nam Á này.

Không có tham vọng chính trị

Ông Akhtar gia nhập Lực lượng Mặt trận (FF), trung đoàn bộ binh của quân đội Pakistan, năm 1982. Ông là giám đốc ISI thứ sáu xuất phát từ lực lượng bộ binh.

Ông Akhtar giữ nhiều chức vụ khác nhau trong các hoạt động chống nổi dậy ở khu vực bộ lạc tây bắc và ở Karachi – những nơi hỗn loạn với phiến quân, tông phái, các nhóm thiểu số và các băng nhóm tội phạm. Nhiều người tin rằng, ông có đủ kinh nghiệm thực tế để lãnh đạo ISI, cơ quan tình báo hiện là trung tâm của vấn đề an ninh không chỉ tại Pakistan mà còn ở khu vực rộng lớn Nam Á và nhiều nơi khác.

Việc ông Akhtar được bổ nhiệm được nhiều người chào đón và hoan nghênh. “Ông ấy là một người lính chuyên nghiệp. Ông ấy là một người lính và không có tham vọng chính trị”, một tờ báo viết. Reuters dẫn lời một nguồn tin quân sự cho biết Tướng Rizwan “là người ngay thẳng khủng khiếp, đen trắng rõ ràng, luôn ở thế trung lập và phi chính trị”.

Ông được mô tả là một hạt giống mới của quân đội, người coi quân sự là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia hơn là cạnh tranh với đối thủ Ấn Độ. Ông cũng được miêu tả là người tin tưởng vào tiến trình chính trị do chính quyền dân sự lãnh đạo, trong đó vai trò của quân đội chỉ nên giới hạn ở việc phòng vệ chống lại kẻ thù bên ngoài.

Tuy nhiên, tại đất nước vốn trải qua rất nhiều các cuộc đảo chính quân sự, đây chỉ là biểu hiện của sự lạc quan, một sĩ quan quân đội nhất định sẽ không có mưu đồ chính trị nhằm gây bất ổn cho chính phủ dân sự.

 

Chiến lược chống quân sự

Ông Akhtar nhậm chức tại thời điểm chính phủ dân sự đang nắm quyền, dưới sự bao vây từ hai nhóm đối lập. Câu hỏi quan trọng là trong bối cảnh NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan trong vòng 3 tháng tới, ISI sẽ can thiệp thế nào tại Afghanistan?

Thước đo về hiệu suất của tướng Akhtar sẽ thể hiện trong việc liệu ông có thực hiện một chiến lược chống quân sự dẫn đến việc khôi phục an ninh nội bộ. Một yếu tố rất quan trọng trong việc đạt được điều này là tướng Akhtar sẽ phải thuyết phục các lãnh đạo quân đội hiểu rằng, cải thiện an ninh nội bộ có thể làm giảm đi vai trò chính trị của quân đội và do đó đe dọa lợi ích lâu dài của các đế chế kinh doanh khổng lồ.

An Bình (Theo BBC)