Tản mạn chuyện hoa cho Đà Nẵng

Thứ hai, 24/01/2022 14:30

Hoa Muống biển ven đường Nguyễn Tất Thành.

Những năm gần đây, diện mạo đô thị của Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc rất đáng tự hào, trong đó không thể không nói đến mật độ cây xanh, thảm hoa trên những con đường, dải phân cách, đảo giao thông, công viên và cả trong khuôn viên, ban công của những căn nhà mặt phố… Nói một cách thi vị thì trong 25 năm xây dựng và trưởng thành của Đà Nẵng, “sắc xuân” đã hiện hữu trong thành phố ngày càng nhiều hơn, không chỉ trong dịp tết đến xuân về mà còn trong bất kỳ ngày mưa tháng nắng nào trong năm.

Trong cái xuân sắc đó, ngoài sắc xanh của cây lá, không thể không nói đến sắc màu của hoa, một yếu tố rất cần cho một đô thị đang hướng đến mục tiêu xanh sạch đẹp, một “Thành phố môi trường” như Đà Nẵng. Không thể phủ nhận, với sự quan tâm về chủ trương của lãnh đạo thành phố, cũng như sự cố gắng của các cơ quan chuyên môn, phố phường Đà Nẵng ngày càng “khoe hương tỏa sắc” cùng năm tháng.

Nhìn xa một chút, ở tầm cỡ quốc gia, đã có “Quốc hoa” là hoa sen, còn mỗi địa phương, cũng nên có những loại hoa riêng của mình hay nói nôm na là “Địa phương hoa”. Cũng nên hiểu là không phải chỉ duy nhất một loại hoa nào đó đâm chồi nẩy lộc ở địa phương nào đó, thì mới được địa phương chọn là hoa riêng của mình. Điều muốn nói ở đây là sự phổ biến, sự thể hiện trong “bức tranh sắc màu” chung của mỗi địa phương.

Chắng hạn, hoa Chăm Pa (hoa Sứ) đâu phải chỉ mọc riêng ở nước Lào nhưng được bạn chọn làm “Quốc hoa”. Hay như cây Phong đâu phải chỉ mọc ở Canada mà người ta chọn lá phong là biểu tượng trên quốc kỳ của Canada… Gần gũi hơn ở nước ta, cây Phượng Vĩ hầu như từ Nam chí Bắc đều có nhưng TP Hải Phòng lại được mệnh danh là “Thành phố hoa phượng đỏ”, hay như hoa Sữa của Hà Nội. v.v và v.v.. Chính vì vậy, nếu Đà Nẵng chọn một loại hoa, chẳng hạn như Hoa Giấy làm “biểu tượng hoa” của mình cũng không có gì là bất thường. Loại hoa này tỏ ra rất thích hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của thành phố, chịu được nắng gió, hoa nở hầu như quanh năm, với nhiều màu sắc khác nhau, không cần đầu tư chăm sóc nhiều. Có du khách đã nói với người viết rằng: Đường Phạm Văn Đồng của Đà Nẵng mà làm những mái vòm cho hoa giấy bám vào, du khách có thể lững thững dưới những vòm hoa giấy ấy cả lúc ban trưa, ban chiều thì thú vị biết mấy.

Đường hoa Đà Nẵng.

Nói về độ “sang chảnh”, hiện đã có những dải phân cách trên những con đường lớn của Đà Nẵng, theo mùa đã được trồng các loại hoa nhất định, chẳng hạn như dải phân cách trên đường Nguyễn Văn Linh, đã có những thời điểm hoa Tường vy rồi hoa hồng, Thiên điểu…, khoe sắc, tạo nét tươi tắn, dịu dàng cho những con đường, giữa cái nắng chói chang hay cái ồn ào, xô bồ của phố thị, lòng người như lắng dịu, khoan khoái, dễ chịu hơn.

Theo Công ty Công viên - cây xanh TP Đà Nẵng, hiện Công ty đã có một nguồn hoa lá dồi dào để làm đẹp quanh năm cho thành phố, không chỉ vào dịp tết đến xuân về. Trên các dải phân cách, công viên, vườn dạo hiện đã có trồng các loại cây cảnh, cây tạo hình như: Cau trắng, Cọ mỹ, Hồng lộc, Dương tạo hình, Muồng vàng, Ngọc lan, Nguyệt quế, Ngâu, Tùng bút, Vạn tuế, Trúc đào. Về thảm hoa, đã có mặt các loại hoa như: Huỳnh anh, Huỳnh liên, Bạch ngọc anh, Trang mỹ, Chuối mỏ két, Tường vy, Bông giấy đủ màu, Chiều tím, Bướm hồng, Nhất chi mai, Kim đồng, Cẩm tú mai, Mắt nhung, Trang sen, Trang nhạt, lá màu, Dứa vạn phát, Bông bụt thái. Về cây viền đã có Lá mỡ, Chuỗi ngọc, Nguyệt quế.

Đặc biệt trong dịp tết sẽ có những “đại diện tiêu biểu” như: Mào gà đủ màu, Păng xê, Cúc nút áo, Dừa cạn, Cúc lá nhám, Mai địa thảo, Dạ yến thảo, Hoa cúc bướm đủ màu, Hồng ri, Cúc pha lê, Xác pháo, Cúc vạn thọ, Cúc Bách nhật, Cây bóng nước, Cúc mân xôi, Trạng nguyên, Đỗ quyên, Thu hải đường, Cúc đại đóa…

Ngoài ra, còn có các loại cây hoa ngắn ngày sản xuất phục vụ thay thế tại những vị trí trung tâm mang tính điểm nhấn đô thị như tại Trung tâm Hành chính thành phố, đường Bạch Đằng, Đài Tưởng niệm 2 tháng 9 gồm: Păng xê, Dừa cạn, hoa bướm đủ màu, Cúc lá nhám, Mào gà đủ màu…

Ngoài loại hoa chủ lực, cũng nên biết thêm một số loại hoa “dân dã” mang tính đại diện, chẳng hạn như hoa Dừa cạn, một loại hoa đẹp giản dị, không kén chọn đất, không những thế, nó còn là một loại hoa làm thuốc, lại có ý nghĩa về mặt phong thủy. Trong vai trò của một loại cây cảnh, nó là loài cây chịu được các điều kiện khô hạn và thiếu chất dinh dưỡng, loại hoa này có thời gian ra hoa kéo dài, quanh năm, ưa nắng và đất có điều kiện tưới tiêu tốt, có nhiều màu như trắng, hoa cà, hồng đào, đỏ và cam đỏ. Hay như cây hoa Sống đời, trông “quê mùa” vậy nhưng lại có sức sống mãnh liệt, trồng ở các dải phân cách không xấu chút nào…

Một ý kiến khá táo bạo mà một người bạn tôi đề xuất khi nghe nói về hoa cho Đà Nẵng. Đó là Hoa… Muống Biển, mà theo bạn tôi nói là loại hoa đơn sơ mộc mạc, với màu tím dịu dàng nhưng rất gần gũi và dân dã. Nó xuất hiện nhiều ở vùng cát ven biển, có màu tím rất đẹp, có sức chịu đựng với gió. Đà Nẵng có bãi biển trải dài, nếu biết cách sắp xếp, bài trí và quản lý loại hoa này, biết đâu sẽ tạo ra nét riêng độc đáo cho một Đà Nẵng “nắng vàng biển xanh” này?

Đề tài về mảng xanh đô thị, trong đó có vai trò của những loại hoa cho Đà Nẵng, thiết nghĩ đã, đang và sẽ được những người có trách nhiệm quan tâm. Nguồn hoa cho Đà Nẵng là rất phong phú, có thể đủ để “trang điểm”, làm đẹp cho thành phố quanh năm. Nhân dịp xuân về, có đôi điều trao đổi về “chuyện hoa lá”, ngõ hầu góp thêm tiếng nói với mong muốn giúp cho thành phố quê mình ngày càng đẹp hơn lên về nhiều nghĩa, cho Đà Thành luôn hiện hữu sắc xuân, bốn mùa “tươi trẻ”.

DÂN HÙNG