Tản mạn cùng Và nghìn năm đợi của Hoàng Hương Việt
Và nghìn năm đợi là tựa đề thi phẩm vừa mới ấn hành của nhà thơ Hoàng Hương Việt (Nxb Hội nhà văn, 2020). Sách dày hơn 180 trang, khổ 13,5x 20,3cm, bao gồm 85 bài thơ, chọn lọc từ suốt quá trình mấy chục năm qua tác giả đã sống, đã đi, đã yêu và viết...
Bìa tập thơ Và nghìn năm đợi. |
Trong lời mở đầu, tác giả Hoàng Hương Việt viết: "Như thế. Tôi đã làm thơ cùng thiên hạ. Đầm đìa, muối mặn với đời. Con chữ đã làm tôi điên đảo. Làm tôi đau. Làm tôi cô đơn. Làm tôi rơi nước mắt. Và làm tôi hạnh phúc tận cùng ở chỗ trái tim".
Thi phẩm Và nghìn năm đợi chia làm ba phần. Phần một có tên gọi "Mở mắt", có lẽ được tác giả tuyển chọn lại từ các bài thơ đã ấn hành từ thời trai trẻ (cụ thể là các tập thơ Tháng hạ do Nxb Lá Bối, Sài Gòn in 1960 và Thơ cho Em, thơ cho Người, do Nxb Ca Dao, Sài Gòn in 1962), với những cảm xúc đầu đời, mới biết yêu, biết hăm hở, buồn vui... nên giọng thơ khá nhẹ nhàng, trong trẻo: "đêm không chợp mắt trông đêm/ ngày không bóng nắng trốn tìm phía em/hướng nào níu kéo ngày lên/mỏng tang vạt áo ướt mềm vai nhau" (Trở gió), hoặc: "Thả xuống lòng anh những sợi vàng êm ái/ cho anh thấy mùa thu say hơn mộng/ để lòng anh tháng chín đợi thu về/ rơi cúc vàng trong đáy mắt nhớ thương (Và mùa thu lại về).
Phần hai có tên gọi "Tự khúc", cũng là những suy tư, trăn trở về tình yêu, cuộc sống, cái chết, hư vô..., nhưng phần lớn được tác giả thể hiện ở thể thơ 4 câu. Đó là: "Mình đi bỏ lại sau thành phố/một chút linh hồn mộng thư sinh/ đâu biết về đâu miền xa thẳm/nẻo đời vô ngả bước phiêu linh" (Tạ từ), đó là: "Làm chim gõ kiến/ chạm nhịp thời gian/ta ngồi ngó lại/ cả đời lang thang" (Tuổi).
Ở phần "Chút đỏ", nhà thơ Hoàng Hương Việt nêu rõ: "là những ngày tháng tham gia cứu nước dữ dội". Trong phần này, ghi đậm những ký ức không thể phôi pha một thời khói lửa: "ba anh em nói không giống tiếng/ sắc áo anh em cũng lạ sắc màu/ nhưng gối Trường Sơn quàng tay ấm lạnh/ thắp cùng mặt trời mưa nắng có nhau" (Chuyện ba anh em ở bán đảo). Tuy nhiên cũng theo tác giả: "Ở đâu, bao giờ cũng bắt gặp và tràn ngập tâm hồn tôi thứ ánh sáng tình yêu tinh khôi, huyền nhiệm, song hành cùng với nỗi đa đoan, vô cớ mà tôi đã gởi vào thơ". Bởi vậy, chính ở những trang sách cuối cùng của thi phẩm, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy tác giả có những dòng này: "Bài thơ đầu đời/ bài thơ đầu tiên/ có phải thơ không/ đó là nỗi đau quặn thắt/vì thơ như người câm/ không nói được/ cái bí hiểm/ nó cuộn trào/ sóng đấy/ lửa đấy/ mưa gió đấy/ trời đất đấy/ cả trái tim/ đau xé nữa đấy/ giữa nhân gian/ nó quẩy/ cuộn trào/ nó trói chặt/ tôi bất lực/ trước quyền năng/ vô hình/ vô tình/ vô vọng/ bức bối lắm/ thơ ơi!" (nỗi đau thơ).
Hoàng Hương Việt sinh năm 1936, tại Quảng Nam. Ông làm thơ, viết văn từ thuở học trò. Thơ văn ông từng đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí tên tuổi ở miền Nam như Bách Khoa, Văn, Tiểu thuyết tuần san, Phụ nữ diễn đàn... Ngoài tên thật, ông còn có các bút danh Nguyễn Huyền Trân, Trần Dạ Lan, Người Sông Thu... Năm 1963, sau khi bị bắt giam vì tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống chế độ Sài Gòn, ra tù ông thoát ly lên miền núi Quảng Nam, tham gia Hội Văn nghệ giải phóng khu V. Năm 1970 được đưa ra Bắc, học khóa viết văn Nguyễn Du đầu tiên với những tên tuổi đến nay đã quen thuộc trong làng văn: Tô Nhuận Vỹ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Trường... Sau năm 1975, Hoàng Hương Việt trở lại quê nhà làm công tác quản lý văn hóa, xuất bản và có nhiều công trình tâm huyết nghiên cứu văn nghệ dân gian đặc trưng về xứ Quảng.
Với tập thơ Và nghìn năm đợi, Hoàng Hương Việt cho biết, ông chọn tròn vẹn 85 bài, đúng với số tuổi hiện nay của ông, gọi là kỷ niệm, vì biết rằng "đây là thứ thiệt của mình". Ông nói: "...để thưa với mẹ cha, người tình, con cháu. Với tri âm. Của tấm lòng tôi trinh bạch như năm tháng. Mơ mộng và dại khờ cho tới tuổi già. Không biết đợi gì. Nhưng dẫu đến nghìn năm tôi vẫn đợi!".
TRẦN TRUNG SÁNG