Tan mộng xứ người, 10 năm chưa thôi nhức nhối
Ngày 10-7, sau nhiều lần hoãn, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự mà bị đơn là VKSND tỉnh Quảng Trị. Vợ chồng ông bà Phan Chí Lộc (1950) - Nguyễn Thị Hòa (1959, P.1, TP Đông Hà) ngồi vị trí nguyên đơn, kháng cáo nhiều nội dung và đề nghị hủy bản án sơ thẩm (TAND TP Đông Hà xét xử), trả xét xử lại.
Vợ chồng ông Lộc tại phiên phúc thẩm vụ án dân sự đòi bồi thường oan sai. |
Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên VKSND tỉnh Quảng Trị bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng, trong khi ông bà yêu cầu tổng cộng hơn 30 tỷ đồng, đền bù những tổn thất, thiệt hại gần 10 năm dính lao lý. Khép lại 1 ngày xét xử, cấp phúc thẩm đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Quảng Trị bồi thường cho ông bà Lộc - Hòa hơn 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chủ tọa đang tuyên án, vợ chồng ông Lộc thể hiện sự không đồng tình đã bức xúc, bỏ vị trí. Có thể hiểu cho ông bà sau chừng ấy năm vướng lao lý, oan sai, gia đình cay đắng, mất mát và thiệt hại quá lớn. Đối với ông Lộc, tính từ ngày bị khởi tố bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (2007) đến khi CA tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ điều tra (năm 2016) với lý do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được phạm tội là hơn 3.100 ngày, trong đó có 368 ngày bị tạm giam. Riêng bà Hòa, cũng ngót nghét 3.000 ngày dính lao lý kể từ khi bị khởi tố bị can. Trước khi có quyết định đình chỉ điều tra, vụ án qua nhiều phiên xét xử ông bà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Còn nhớ tại phiên sơ thẩm vào tháng 9-2010, TAND tỉnh Quảng Trị nhận định bị cáo cũng là bị hại và tuyên vô tội, kết quả này khác với lần xét xử trước đã tuyên 2 vợ chồng tổng cộng 16 năm tù khiến các bị hại trong vụ án, nhất là những người trực tiếp giao tiền cho vợ chồng ông Lộc để được xuất cảnh sang Australia hốt hoảng phản ứng. Họ không cầm được nước mắt, nỗi khốn cùng khi giấc mơ xuất ngoại đã tan mà khả năng đòi được khoản tiền bị chiếm đoạt trở nên vô vọng. Bởi nghi phạm bị xác định cầm đầu, chủ mưu, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để lừa đảo chiếm đoạt tiền là một Việt kiều Australia có tên là Dương Thị Minh Phụng (1960) đã không để lại dấu vết sau khi cuỗm 7,5 tỷ đồng (bao gồm 6,6 tỷ đồng của tất cả 30 bị hại) do vợ chồng ông Lộc chuyển thông qua người tên Nhi, cháu của Phụng. Ngày 1-6-2007, Nhi có viết giấy biên nhận đã nhận số tiền 7,5 tỷ đồng này. Đây là mấu chốt của vụ án, xác định vợ chồng ông Lộc không chiếm đoạt, thậm chí cùng chung số phận với các bị hại khi cũng nộp tiền để được Phụng lo xuất cảnh sang Australia. Vụ án đã trải qua thời gian dài, 2 bị cáo đã được xin lỗi do oan sai nhưng bài học đi xuất ngoại mong đổi đời vẫn chưa cũ, tiếp tục gióng lên hồi chuông cho những ai nhẹ dạ, cả tin và ảo tưởng miền viễn xứ.
Trở lại nội dung câu chuyện vợ chồng ông Lộc của hơn 10 năm trước. Trong một lần sang Australia thăm con đang du học thì gặp Phụng. Lúc này, Phụng giới thiệu tên là Hương, có thể lo xuất cảnh và định cư tại Australia. Bản thân gia đình ông Lộc đang muốn định cư tại đây nên tin lời. Sau đó, Hương cũng về nước, ra thăm quê ông Lộc ở Quảng Bình và nhận ra có nhiều người muốn con cái định cư ở Australia, đối tượng này tung lời gian dối, “rao” một suất du lịch nộp 100 triệu đồng, xuất khẩu lao động là 270 triệu đồng, du học là 360 triệu đồng. Để thực hiện kế hoạch, Hương lợi dụng, hướng dẫn vợ chồng ông Lộc mở Cty về tư vấn du học, hướng dẫn du lịch và thay Hương trực tiếp nhận hồ sơ của bị hại. Vốn tin vợ chồng ông Lộc nên nhiều người không nghi ngờ gì Hương, lại thiếu hiểu biết và nhẹ dạ nên không ngại chi khoản tiền lớn để sớm được đưa sang Australia. Đến khi vụ án đưa ra xét xử lần đầu tiên, nhiều bị hại đã lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần, có người cùng quẫn nghĩ đến cái chết.
Riêng gia đình ông Lộc, trước khi bị khởi tố, ông bà có thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng, vì dính lao lý, việc trả nợ không đúng hạn. Chuyện học hành của con cái cũng dở dang, hoạt động kinh doanh tại 3 lô quầy ở chợ Đông Hà cũng không thể duy trì. Không còn nhà, ông bà thuê trọ 10 năm qua, tinh thần, kinh tế kiệt quệ, đặc biệt bà Hòa còn bị suy thận giai đoạn cuối, đã phải chạy thận nhiều năm, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những gì ông bà trải qua chừng ấy năm đúng là xót xa, không dễ gì bù đắp hết.
Từ phản ứng gay gắt của ông bà trước kết quả tuyên án phúc thẩm cho thấy sự nhức nhối trong lòng họ chưa nguôi. Dường như hành trình đòi lại những mất mát, thiệt hại vẫn chưa dừng lại... Còn những bị hại khác, họ cũng mong muốn lực lượng chức năng tầm nã, bắt được kẻ lừa đảo đang lẩn trốn trả giá cho hành vi phạm tội, khiến hàng chục gia đình lao đao, khốn đốn bao năm qua.
BẢO HÀ