Tan nát thượng nguồn sông Re (2)

Thứ bảy, 30/08/2014 09:00

* BÀI CUỐI: CUỘC CHIẾN GIỮ ĐẤT VÀ RỪNG

(Cadn.com.vn) - Không chỉ tận diệt rừng, "vàng tặc" còn dụ dỗ người dân bán đất sản xuất để khai thác vàng, và tranh giành nhau từng mét đất. Từ đó, nảy sinh những cuộc thanh toán giữa các "trùm vàng tặc".

Lán trại nơi xảy ra cuộc thanh toán giữa 2 "trùm vàng tặc" Ngàn và Thùy.

Việc tồn tại những bãi vàng lớn ở khu vực thượng nguồn sông Re thuộc thôn Kon Plinh, Kon Piêng manh nha từ tháng 4-2013. Từ làm thủ công, những chủ bãi chuyển sang đưa máy móc vào rừng. Hết đào bới dọc ven sông Re, "vàng tặc" chuyển sang vừa dụ dỗ, vừa đe dọa người dân bán đất sản xuất cho chúng. Chỉ tính ở 2 thôn Kon Plinh và Kon Piêng đã có 13 hộ dân bán đất ruộng, rẫy cho "vàng tặc". Cụ thể, 13 hộ dân đã bán 1,39ha đất ruộng, rẫy cho 2 "trùm vàng tặc" là Đàm Văn Ngàn (trú tại TP Kon Tum, Kon Tum) và Trần Văn Quy (xã Hiếu, H. Kon Plông, Kon Tum). Những ruộng, rẫy tươi tốt lúa, mỳ đã bị "vàng tặc" đào bới, biến dạng, không còn xác định được ranh giới và trơ ra những hố sâu hoắm.

"Trong đó người bán được nhiều tiền nhất là A Hà, A Uông ở thôn Kon Piêng. Người này bán cho những người làm vàng được 30 triệu đồng. Một số hộ khác thì bị lừa, khi nói bán 10 triệu/ sào nhưng chỉ trả 5 triệu đồng, khai thác xong thì lơ luôn", một cán bộ thôn (giấu tên) cho biết. Vị cán bộ thôn này còn cho biết thêm, "vàng tặc" sau khi khai thác vơ vét xong đất đã mua còn tham lam hút vào chân ruộng, rẫy khác khiến ruộng, rẫy của người dân sạt lở, hoang tàn, và đành ngậm ngùi bán lại mảnh đất đó cho "vàng tặc".  May mắn là chính quyền địa phương H. Kon Plông đã phát hiện sự việc kịp thời và khuyến cáo người dân cũng như các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Nếu không, chắc chắn số hộ bán đất cho "vàng tặc" không dừng lại ở con số 13. Từ việc tranh gìành mua đất sản xuất của người dân để khai thác vàng, nảy sinh việc thanh toán nhau giữa 2 "trùm vàng tặc". Tháng 4-2014, khi hay tin mảnh ruộng của A Thanh (thôn Kon Piêng) bên bờ sông Re có vàng, hai "trùm vàng tặc" Đàm Văn Ngàn (quê Kon Tum) và Trần Thế Thùy (quê Bắc Giang) đã cùng tìm đến ngã giá mua mảnh ruộng trên và nảy sinh mâu thuẫn. Ngàn và Thùy đều huy động đàn em đi ô-tô hẹn nhau huyết chiến, kết quả Thùy và đàn em bị đánh trọng thương.

Trong lúc đánh nhau, Thùy rút súng tự chế chĩa thẳng vào Ngàn bóp cò, thế nhưng Ngàn nhanh chóng tước được khẩu súng và khẩu súng sau đó được CAH Kon Plông thu giữ.  Hoạt động phức tạp của các nhóm làm vàng khiến địa phương lúng túng. Dù đã liên tiếp tiến hành các cuộc truy quét, đẩy đuổi, nhưng "vàng tặc" vẫn bám Kon Plinh, Kon Piêng dai như đỉa. Khi lực lượng liên ngành tiến hành truy quét, đẩy đuổi đến nơi thì "vàng tặc" đã đưa máy móc trốn vào rừng từ trước, đoàn liên ngành vừa rút thì đâu lại vào đấy! Không chỉ thế, một số cán bộ thôn tham gia truy quét, đẩy đuổi còn bị "vàng tặc" vác dao ra tận nhà đe dọa.

Đoàn truy quét tiến hành tiêu hủy máy móc của "vàng tặc".

Làm việc với phóng viên, ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Hiếu cũng như Thượng tá Trịnh Xuân Anh, Phó trưởng CAH Kon Plông đều thừa nhận việc "vàng tặc" có "vệ tinh" nên mỗi lần đoàn liên ngành tiến hành truy quét đều chỉ thu được một số máy móc. "Khi lực lượng vào tận nơi, những đối tượng khai thác vàng trái phép đã cất giấu máy móc, chứng tỏ họ có một thời gian để chuẩn bị. Tôi chắc chắn họ có vệ tinh", Thượng tá Trịnh Xuân Anh cho biết. Ông Hải còn đưa cho phóng viên xem những viên đạn chì, ống nhòm chuyên dụng thu giữ được trong lúc tiến hành truy quét. Điều khó hiểu hơn nữa là việc "vàng tặc" đua nhau cày nát lâm phần, phá rừng làm lán trại tại tiểu khu 500, 501 thuộc quản lý của Lâm trường Măng La (chi nhánh của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông) nhưng tuyệt nhiên đơn vị này vẫn…im hơi lặng tiếng.                                                                                                              

Báo cáo của UBND H. Kon Plông ghi rõ: "từ 20-3-2014 đến 21-8, Đoàn liên ngành gồm CAH, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm Lâm, Lâm trường Măng La…tiến hành hơn 10 đợt truy quét, đẩy đuổi "vàng tặc". Qua đó, thu giữ, tiêu hủy nhiều dụng cụ khai thác vàng, cô vàng, dầu máy, gạo, lán trại cũng như đẩy đuổi hàng chục đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực này".

Song dù có tìm đỏ mắt, chúng tôi vẫn không thấy một đối tượng nào bị xử lý và cả ngày 20-8, phóng viên đã đi thực tế tại các bãi vàng mà không thấy một bóng dáng lực lượng truy quét. Giải thích sự chông chênh này, bà Y Thị, Phó Chủ tịch UBND H. Kon Plông nói: "UBND huyện đã chỉ đạo đoàn liên ngành nhiều lần vào cuộc, đã đẩy đuổi nhiều đối tượng "vàng tặc", tiêu hủy nhiều máy móc, dụng cụ phục vụ việc khai thác vàng, buộc các đối tượng này đưa máy múc, máy đào ra khỏi khu vực... nhưng xem ra nạn khai thác vàng trái phép vẫn chưa lắng xuống".                       

Đại ngàn nơi thung lũng Kon Plinh, Kon Piêng vẫn chưa bình yên!

Minh Tân