Tận tâm với những công việc không tên

Thứ ba, 31/08/2021 11:21

Mới tối hôm trước, anh tổ trưởng Tổ dân phố 49, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng Phan Phước Hiệp cùng với chị tổ phó Trần Thị Ngọc Thu và chị em ở tổ Covid-19 cộng đồng thức gần đến nữa đêm để phân lô rau, củ, quả từ phường chuyển về kịp chuyển đến tay người dân.

Trong đêm vẫn miệt mài cung cấp bánh mỳ miễn phí cho bà con.

Sáng ra, khi nhiều nhà còn chưa ngủ dậy đã nghe tiếp kêu cửa cấp phát bánh mì (có hôm là bún tươi miễn phí) để bà con có cái ăn điểm tâm sáng trong những ngày giãn cách xã hội theo QĐ 2788 và QĐ 2860 của Chủ tịch UBND thành phố. Chưa hết, cũng trong buổi sáng ấy, cả tổ trưởng, tổ phó; Bí thư Chi bộ 14, trưởng ban điều hành khu dân cư Hà Phi Phụng; Đại úy Hoàng Ngọc Hiếu, CSKV P.Thanh Khê Tây lại đến từng nhà nhắc nhỡ bà con đi xét nghiệm Sars Cov-2 cho kịp giờ.

Hơn 10 ngày qua, bóng dáng của anh Phan Phước Hiệp và chị Trần Thị Ngọc Thu, Tổ dân phố 49 như “con thoi”, bất kể trời nắng hay trời mưa, đêm hay ngày, họ vẫn miệt mài, tận tâm, tận tụy, tận tình với công việc để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ngay ở tổ dân phố của mình. Hình ảnh đó đã để lại dấu ấn và những tình cảm tốt đẹp đối với bà con trong tổ. Cả anh Hiệp, chị Thu đều là cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục về hưu đã nhiều năm nhưng chẳng nề hà tuổi tác ngày càng cao vẫn xung phong đảm nhận vai trò “vác tù và hàng tổng” để có thể giúp được gì cho người dân là giúp ngay, chẳng chút phiền hà nầy nọ. Vừa xong công việc tổ chức cho người dân đi xét nghiệm, cả anh Hiệp và chị Thu lại lao vào công việc khác.

Đó là công việc của một người nội trợ “đi chợ” thay người dân. Qua group zalo của TDP 49 có đến hơn 100 thành viên đăng ký tham gia. Chính vì vậy, giấc ngủ của mỗi người trong ban điều hành nhiều lúc không còn trọn giấc. Âm thanh “bon…bon…” cứ thế liên tục bất kể ngày hay đêm. Trong những ngày giãn cách xã hội, nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng dần. Vậy mà cùng lúc gần cả trăm hộ dân ở cả 3 dãy A, B, C trong khu dân cư “mỗi nhà mỗi cảnh” nên nhu cầu cũng khác nhau, do vậy, hàng hóa cũng đủ loại.

Bún tươi được tổ dân phố mang đến tận nhà.

Đáp ứng từng ấy nhu cầu qua “đơn đặt hàng” để rồi đi chợ thay quả là điều khó khăn hết mức. Thế nhưng “Thành phố áp dụng cách ly toàn xã hội để tổ chức xét nghiệm toàn dân, tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm kiểm soát được đại dịch. Vì thế, tôi rất coi trọng việc tổ chức cho người dân đi xét nghiệm đầy đủ và đúng quy định. Cái khó ở tổ là số hộ đông, trong đó có nhiều nhân khẩu đang tạm trú; thậm chí có cả 8 thợ xây ở các địa phương khác đến làm công, kẹt dịch không về được. Thấy họ khó, mình cũng phải đề xuất để địa phương hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm cho qua cơn khó khăn trước mắt”-Anh Hiệp chia sẻ, đồng thời nói thêm “Rất mừng là qua cả 4 lần xét nghiệm, tất cả mọi người trong Tổ dân phố 49 đều âm tính với Sars Cov-2”.

Trong khi đó, với thế mạnh của phụ nữ, chị Trần Thị Ngọc Thu, Tổ phó Tổ dân phố 49, sau khi lo xong chuyện xét nghiệm đã tất bật lo chuyện “đi chợ”, phân phối hàng hóa đến tận tay người dân nhằm đảm bảo giãn cách xã hội “Ai ở đâu, ở yên đó”. Chị Thu tâm sự “Cứ hễ phường gọi là tôi cùng Ban điều hành tổ dân phố triển khai ngay việc tiếp nhận, phân chia và tổ chức cấp phát liền tay cho bà con để rau củ nó còn tươi. Bất kể buổi trưa hay tối, xong khi nào là chúng tôi phát ngay khi đó. Việc cấp phát thực phẩm thì cơ bản thuận lợi, riêng chỉ có quà cho các đối tượng hộ nghèo, công nhân, sinh viên ở trọ đôi chút gặp khó khăn do số lượng quà còn tùy thuộc vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân nên có khi ít, khi nhiều, khi chưa có. Trách nhiệm của chúng tôi là phải giải thích cặn kẽ cho người dân. Chúng tôi hiểu sự thiếu thốn của người dân lúc đại dịch nên luôn kiên trì giải thích và động viên bà con”.

Anh Hiệp và chị Thu phân phối cá tươi cho các hộ dân.

Nhiều bà con trong tổ cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của chị Thu. Mẹ già lại cao tuổi ở nhà một mình, còn chị thì cứ như “con thoi”, việc sau đuổi việc trước nên có hôm phải nhờ bà con hàng xóm nấu giúp cơm để có thời gian lo cho công việc chung của cả tổ. Chị Thu kể “Mấy ngày nay công việc đi chợ cũng đỡ nhiều rồi. Đó là nhờ CATP Đà Nẵng mở điểm cung ứng hàng hóa đến tận phường cho bà con. Rất nhiều đơn đặt hàng đã được tôi lên danh sách rồi chuyển cho Đại úy Hoàng Ngọc Hiếu, CSKV, sau đó nhận hàng để trao về tận nhà cho người dân. Ai nấy cũng khen mấy anh Công an lo cho dân đến nơi đến chốn trong khi nhiệm vụ trong giai đoạn giãn cách xã hội của lực lượng Công an rất nặng nề”. Nói thì vậy nhưng nhu cầu của bà con thì rất nhiều nên cả anh Hiệp và chị Thu vẫn phải “di chợ” thường xuyên ở các cửa hàng Vinmart trên địa bàn hoặc chợ Phú Lộc mới được mở lại từ ngày 27-8-2021 để đáp ứng nhu cầu của bà con trong tổ”.

Biết là trong muôn vàn khó khăn của dịch bệnh nhưng những việc làm chí tình, chí nghĩa của những người “vác tù và hàng tổng” như anh Phan Phước Hiệp, chị Trần Thị Ngọc Thu, Tổ dân phố 49, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã góp phần làm đẹp thêm tinh thần “Tương thân, tương ái” để cùng nhau sớm vượt qua đại dịch để trở lại cuộc sống bình thường mới.

PHƯƠNG KIẾM