Tân Thủ tướng Sharma Oli – hy vọng cho Nepal

Thứ bảy, 16/12/2017 14:00

Việc liên minh đảng CNP-M và CPN - UM ở Nepal giành đa số ghế (84 ghế) trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua đã đưa ông Khadga Prasad Sharma Oli trở lại cương vị thủ tướng. Nhiều kỳ vọng đặt trên vai nhà lãnh đạo này. Trong đó, cử tri đang đặt câu hỏi liệu ông Oli sẽ xử lý mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc như thế nào.

Tân Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli.     Ảnh: Alamy

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ

Ông Oli từng giữ cương vị thủ tướng thứ 38 của Nepal trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 10-2015 đến 8-2016, nhưng sau đó mất ghế khi đảng CNP-M rút khỏi chính phủ liên minh, theo đó ông Oli đối mặt với áp lực buộc phải từ chức trong cương vị người đứng đầu chính phủ thiểu số.

Giới chuyên gia dự đoán, ông Oli, nhân vật thân Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ với Bắc kinh, nhưng dự kiến ông cũng sẽ tiếp cận Ấn Độ để phát triển một số dự án cơ sở hạ tầng cao. Khi New Delhi áp đặt phong tỏa đường biên không đối với Nepal vào năm 2015 và 2016, ông Oli đã ký kết thỏa thuận khung thương mại và quá cảnh với Trung Quốc. Lần đầu tiên, Nepal có thể nhập khẩu dầu từ Bắc Kinh và sử dụng đường bộ, đường sắt, bến cảng của Trung Quốc cho các hoạt động thương mại của nước thứ ba. Động thái này giúp xây dựng hình ảnh ông Oli trong mắt cử tri Nepal: một thủ tướng giỏi về ngoại giao, khéo léo xử lý khi đất nước cần.

Theo ông Oli, hợp tác với Trung Quốc về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ sâu rộng hơn trong thời gian tới, nhưng chính phủ cũng dự kiến sẽ tiếp cận New Delhi để đẩy nhanh các dự án như Postal Road, Pancheshwor và Arun 3. Xử lý hài hòa mối quan hệ với hai nước láng giềng và bảo vệ lợi ích của Nepal sẽ là thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại của tân Thủ thướng.

Liên minh cánh tả CPN-UML và CNP-M cũng tuyên bố sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Ấn Độ, lẫn Trung Quốc. Một nhà lãnh đạo CPN-UML khẳng định, chính phủ kế tiếp không "chống Ấn Độ" cũng không "ủng hộ Trung Quốc" và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước. Ishwor Pokhrel, Tổng thư ký của CPN-UML, nói: "Cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc là những nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi tôn trọng cả hai nước láng giềng. Người Nepal sẽ không chống Ấn Độ".

Theo ông Pokhrel, sau khi nắm quyền, chính phủ mới sẽ thực hiện một bản thông cáo chung 15 điểm do ông Oli và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ký vào tháng 3-2016, bao gồm hợp tác về giao thông vận tải, thương mại và tài chính. Kathmadu cũng sẽ phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh sau khi chính phủ đa số thành lập vào giữa tháng 1 tới, bao gồm các dự án đường sắt, đường cao tốc và các dự án thủy điện như đập Budhi Gandaki. Dự án xây dựng đập Budhi Gandaki ban đầu được lên kế hoạch với Tập đoàn Gezhouba thuộc Trung Quốc, nhưng nó bị chính phủ hủy bỏ trong cuộc bầu cử, với lý do bất thường. "Khi ông Oli trở thành thủ tướng, chúng tôi sẽ nghiêm túc chấp nhận các thỏa thuận", ông Pokhrel nói.

Lo sợ trước việc ông Oli sẽ ngả sang Trung Quốc, Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ với Nepal. Trang mạng Economics Times của Ấn Độ ngày 15-12 đưa tin nước này đã quyết định tăng cường hợp tác với Nepal trong nhiều lĩnh vực như dự án phát triển, các sáng kiến kết nối và đối phó với những thách thức an ninh xuyên biên giới. Theo một số chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Ấn Độ - Nepal, New Delhi đang xem xét chiến lược hợp tác rộng lớn với Kathmandu như một cách an toàn để bảo vệ những lợi ích trước tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia vùng Himalaya này.

Thách thức trong nước

Giờ đây khi ông Oli và liên minh cánh tả chiếm đa số, người dân háo hức xem cách họ giải quyết vấn đề sửa đổi Hiến pháp gây tranh cãi mà các đảng đối lập đang đòi hỏi. Việc sửa đổi nhằm mục đích tạo cho các đảng này có nhiều đại diện chính trị.

Dù chính phủ của ông Oli quyết tâm theo đuổi các dự án đầy tham vọng để phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá, đường sắt, sân bay... vấn đề công lý xã hội cũng là điều đáng quan tâm. Hiện tại, Nepal đã bớt căng thẳng vì cuối cùng nước này sẽ có một chính phủ ổn định, vốn đã đặt sự thịnh vượng lên hàng đầu. Nhưng với Quốc hội Nepal vẫn trong tình trạng căng thẳng, bóng ma của một phe đối lập yếu kém và cũng là động lực để nền dân chủ Nepal trỗi dậy.

AN BÌNH