Tăng cơ hội mở rộng đầu tư cho doanh nghiệp

Thứ hai, 18/06/2018 16:16

Sáng 16-6, ông Đặng Việt Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng chủ trì Hội thảo “Cơ hội mở rộng đầu tư đối với doanh nghiệp”. Tham dự hội thảo có các đơn vị thuộc Cụm thi đua khen thưởng số 3-Ban Tuyên giáo Thành ủy và khoảng 30 doanh nghiệp cùng với lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Sản xuất các thiết bị điện tử phục vụ ngành điện tại KCN Hòa Cầm.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Ông Trần Văn Miên - Phó Trưởng BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho biết, đến nay, TP có 6 KCN đi vào hoạt động với quy mô diện tích đất quy hoạch hiện tại khoảng hơn 1.000ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 84,99%, trong đó KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh đã lấp đầy 100%. Các KCN hiện đã thu hút 471 dự án đầu tư vào đây, trong đó có 471 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; 118 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 triệu USD.

“Nhìn chung, các KCN  hiện hữu trên địa bàn TP diện tích đất còn lại không nhiều, lại phân tán manh mún, hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư thuê lại lô đất lớn từ 30 ha trở lên để thực hiện dự án. Các dự án đầu tư hiện tại đa số vẫn là dự án quy   mô nhỏ, tiềm lực tài chính không mạnh, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh...” - ông Miên nhấn mạnh.

Để triển khai kế hoạch “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”, ông Miên cho biết thêm, trong thời gian đến, sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, sử dụng đất không đúng mục đích trong các KCN. Kiên quyết có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm, thu hồi đất để bố trí cho các nhà đầu tư có tiềm năng.

Theo ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó Trưởng BQL Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng, hiện khu CNC đã thu hút được 6 dự án FDI và 8 dự án trong nước. Có đến 5 trong số 8 doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp của TP Đà Nẵng với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100 triệu USD. Khu CNC đã có hơn 400 héc-ta đất sạch, hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện, vị trí đẹp sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khu CNC có những chính sách hấp dẫn mà 2 khu CNC còn lại của cả nước không có được.

Trong khi đó, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ  đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến hết tháng 5-2018, TP Đà Nẵng đã cấp chủ trương đầu tư cho 6 dự án trong nước với tổng vốn 5.893 tỷ đồng. Thu hút thêm 129 triệu USD từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 609 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3,14 tỷ USD. Bà Phương cho rằng các chính sách thu hút đầu tư, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các DN đầu tư vào Khu CNC, KCN&CX đã rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các dự án ngoài khu công nghiệp lại có khó khăn, vướng mắc. “Chúng tôi không thể xác định được thời gian đối với từng quy trình, thủ tục đối với các Sở ngành liên quan là bao lâu. Có nhiều nhà đầu tư trong nước muốn làm một khu du lịch hoặc làm một trường đại học hoặc các trường mầm non, trung cấp có hỏi về thời gian nhưng Ban không thể trả lời được” – bà Phương nói.

Liên kết, hỗ trợ cùng phát triển

Bà Đặng Trần Gia Thoại - Giám đốc điều hành Công ty CP Container miền Trung cho biết, hiện tại, Cty có 60 đầu xe container và đang dự kiến mở rộng đầu tư tại khu vực KCN Liên Chiểu để đón đầu khi Cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, tuy nhiên giá cho thuê đất tại đây quá cao. Bà Gia Thoại kiến nghị thành phố xem xét có những ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Giám đốc Cty CP SaigonShip tại Đà Nẵng Tô Văn Hiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics có uy tín ở miền Trung cũng đề nghị BQL các KCN&CX thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe để giúp DN tháo gỡ những khó khăn, nhất là về vấn đề quy hoạch sử dụng đất.

Còn theo ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, điều ông đang lo là việc mở rộng quy mô sản xuất. “Thị trường chúng tôi rất tốt, vốn chúng tôi có, chỉ mong thành phố tạo điều kiện đẩy nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đánh giá tác động môi trường để chúng  tôi tranh thủ nắm bắt cơ hội để phát triển”.

Giám đốc Cty Điện lực Đà Nẵng Ngô Tấn Cư kiến nghị “Trong quá trình thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, Cty gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về việc cấp phép thi công, thỏa thuận tuyến, vị trí lắp đặt thiết bị... dẫn đến tiến độ một số công trình bị chậm trễ. Cty kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các quận, huyện quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để Cty hoàn thành tiến độ các công trình theo đúng kế hoạch đề ra, đặc biệt là các công trình liên quan đến vốn vay 350 tỷ đồng của Jica trong năm nay.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn thành phố sẽ có những hỗ trợ, hay chính sách về cho thuê mặt bằng để mở rộng sản xuất, có cơ chế chính sách thông thoáng, giúp DN đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

Chia sẻ với các kiến nghị, đề xuất của DN, ông Đặng Việt Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, nhu cầu về hợp tác đầu tư, phát triển của DN và cơ hội để đẩy mạnh đầu tư tại TP Đà Nẵng là hiện hữu. DN Đà Nẵng có đủ tiềm năng, dư địa để tiếp tục phát triển sản xuất trong chính địa bàn thành phố. Chủ trương của thành phố luôn lấy đồng hành, chia sẻ và lấy DN làm động lực  cho tăng trưởng và đã có đóng góp rất lớn cho GDP thành phố.

“Tuy nhiên, phải công tâm nhìn nhận rằng, đa số các doanh nghiệp Đà Nẵng là DN nhỏ, còn rất hạn chế về mặt công nghệ, khả năng cạnh tranh còn khó khăn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền TP, bản thân từng DN trên địa bàn cũng cần nâng cao năng lực sản xuất cũng như  khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, hợp tác lẫn nhau trong liên kết đầu tư, hỗ trợ phát triển, không nên trông  chờ hỗ trợ nhiều từ bên ngoài” - ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

PHƯƠNG KIẾM