Tăng cường chốt chặn, bảo vệ cây ươi
Nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô vào rừng khai thác, cưa chặt, hạ gốc cây ươi để lấy hạt, những ngày qua, Công an các xã vùng cao, các chủ rừng của TP Đà Nẵng cùng các ngành chức năng thành lập Tổ liên ngành chốt chặn, tuần tra, truy quét.

Chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ ươi
Cây ươi (tên khoa học Scaphium lychnophorum) là loài cây có giá trị kinh tế và dược liệu cao, phân bố nhiều tại các khu vực rừng tự nhiên ở các xã vùng núi cao của TP Đà Nẵng. Những năm gần đây, việc khai thác quả ươi đã mang lại thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Năm nay, ươi được mùa lại được giá. Nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt hạ, tỉa cành, tỉa ngọn hoặc tác động bất lợi để thu hái quả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, Ban quản lý (BQL) các rừng phòng hộ trên địa bàn đã xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, giám sát quản lý, bảo vệ cây ươi trong lâm phận quản lý. Ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, từ giữa tháng 6, đơn vị đã ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, giám sát quản lý, bảo vệ cây ươi trong lâm phận.
Theo đó, Ban đã thành lập các tổ cơ động tại các xã Trà Tập, Trà Vân, Trà Leng… phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng các xã tuần tra, kiểm tra, giám sát ngăn chặn kịp thời các hành xâm hại đến cây ươi. “Đơn vị xác định rõ các lô, khoảnh, tiểu khu có ươi để có cơ sở nhằm tổ chức có hiệu quả các đợt tuần tra, kiểm tra. Đồng thời phát huy vai trò cơ sở trong công tác nắm bắt thông tin, phối hợp và tổ chức thực hiện. Hàng ngày quản lý địa bàn các xã báo cáo các đợt tuần tra, giám sát; tình hình quản lý, bảo vệ cây ươi về Ban để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo. Nhờ chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ nên từ đầu mùa ươi đến nay, đơn vị không phát hiện các hành vi chặt hạ ươi để lấy quả”- ông Nguyễn Vĩnh Hiền thông tin.
Xã Đắc Pring là địa bàn biên giới có diện tích rừng tự nhiên rộng, tiềm ẩn nguy cơ người dân tự ý vào rừng khai thác trái phép cây ươi. Do đó từ đầu tháng 7 đến nay, Công an xã Đắc Pring đã chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch và quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để tuần tra, truy quét, chốt chặn, bảo vệ cây ươi. Thành phần tổ công tác liên ngành gồm Công an xã, Đồn Biên phòng Đắc Pring, Ban Chỉ huy Quân sự xã, Kiểm lâm địa bàn, Tổ Bảo vệ rừng Nam Giang và Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Sông Thanh.
Trung tá Arất Hương – Trưởng Công an xã Đắc Pring cho hay, các tổ công tác được bố trí chia thành nhiều mũi, triển khai tuần tra, kiểm tra, truy quét, chốt chặn tại các tuyến đường trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng người dân tự ý vào rừng khai thác, cưa chặt, hạ gốc cây ươi để lấy quả. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ tài nguyên rừng. Song song với đó, các tổ công tác tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện khai thác quả ươi đúng quy định, nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững loài cây này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Mùa ươi năm nay, giá ươi bay cao hơn nhiều so với các năm trước nên người đi nhặt quả ươi rất đông. Theo người dân đi nhặt ươi cho biết, do ươi được giá nên rất nhiều thương lái chờ sẵn tại các khu vực cửa rừng lùng sục mua ươi. “Chúng tôi đi hái ươi vừa ra khỏi rừng đã có người đứng chờ mua. Ươi bay có giá lên đến 500.000 đồng, có bao nhiêu họ cũng mua hết”- anh Nguyễn Thanh Hùng (trú xã Ninh Phước) thông tin thêm.
Bà Huỳnh Thị Tuyên, chủ vựa thu mua ươi tại xã Khâm Đức (TP Đà Nẵng) cho biết, đầu mùa đến nay, gia đình bà đã thu mua được hơn 15 tấn ươi, tùy theo từng loại ươi sẽ có các mức giá khác nhau. “Ươi loại 1 là ươi tự già, bay từ trên cây xuống, còn gọi là ươi bay, được mua với giá 450 đến 500.000 đồng; loại ươi người dân leo lên cây hái thì có giá từ 300 đến 400.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn nhiều so với những năm trước”- bà Tuyên nói và cho biết thêm, ươi sau khi thu mua được xuất bán sang Trung Quốc. Tại nước ta, quả ươi chủ yếu làm nước giải khát, nhưng tại Trung Quốc và các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc…, người ta mua về để chế biến thuốc, thực phẩm chức năng.
Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng cho hay, để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ người dân chặt cây, bẻ cành ươi hoặc xảy ra cháy rừng do tụ tập đông người, đơn vị yêu cầu các chủ rừng, các hộ nhận khoán tăng cường quản lý, nhất là các khu vực rừng có cây ươi đang trong mùa chín rụng. “Các chủ rừng, Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình đi thu nhặt hạt ươi rụng, không được có hành vi xâm hại cây ươi. Trong quá trình người dân tụ tập vào rừng đông cần giám sát nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống cháy rừng, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay”- ông Thu yêu cầu.
Theo các chủ rừng, trước đây tình trạng chặt phá cây ươi để lấy quả xảy ra nhiều, nhưng những năm gần đây, khi được tuyên truyền thì người dân đã ý thức hơn, không còn tình trạng chặt hạ cây ươi để hái trái. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng người dân leo lên cây chặt cành hái ươi xanh. Điều này sẽ tác động đến cây rừng, nếu phát hiện vi phạm sẽ tịch thu ươi và xử phạt nặng…
Trần Tân