Diễn đàn đối tác phát triển khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam:

Tăng cường hợp tác để tận dụng thế mạnh

Thứ ba, 22/04/2014 05:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-4 tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc đã diễn ra diễn đàn đối tác phát triển khu vực Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia - Lào- Việt Nam.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên; Bùi Quang Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cùng lãnh đạo các tỉnh trong Khu vực TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam và các đối tác.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm.

TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam là một khu vực ngã 3 biên giới của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, bao gồm 13 tỉnh thành (Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie của Campuchia; Attapu, Salavan, Sekong, Champasak của Lào; và Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước của Việt Nam), có tổng diện tích tự nhiên là 144,2 nghìn km2, dân số trung bình năm 2013 là hơn 7 triệu người. 5 tỉnh Việt Nam trong khu vực TGPT có diện tích hơn 51.700km2, chiếm 40% diện tích khu vực.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong giai đoạn  2011-2013, cơ cấu kinh tế của 5 tỉnh của Việt Nam trong khu vực này có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.415 USD, (chiếm 74,5%  so với bình quân cả nước)...

Theo định hướng phát triển, đến năm 2020, khu vực TGPT tiếp tục phát huy thế mạnh của mỗi bên để hợp tác phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư bên ngoài, chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tăng cường mối liên kết trong nội bộ vùng và ngoài vùng.

Dự kiến trong giai đoạn 2011- 2020, tốc độ tăng trưởng của khu vực TGPT đạt khoảng 10-11%/năm, GDP tăng từ 838 USD năm 2010 lên 1.300 USD năm 2015, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 2.000 USD. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế cũng được điều chỉnh theo hướng chuyển dần sang mô hình tăng trưởng coi trọng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh; nông lâm nghiệp phát triển theo hướng phát triển chiều sâu là chính, điều chỉnh lại định hướng cơ cấu ngành, tạo bước phát triển nhanh dịch vụ, du lịch và công nghiệp...

Phát biểu tại diễn đàn, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong những năm tới, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng KT-XH; ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và nước sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng, hình thành hệ thống quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực trình độ cao; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập vùng dân tộc thiểu số.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: H.P

Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam trong những năm tới, như cần phải xem việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài; cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia; Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông ở các tỉnh Tây Nguyên; xây dựng hệ thống đường dân sinh đấu nối với tuyến đường bộ đi các tỉnh trong khu vực TGPT; xây dựng hạ tầng ở các cửa khẩu chính, tạo điều kiện cho việc kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, du lịch trong khu vực...

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá khu vực TGPT có nhiều điểm tương đồng về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần có sự phối hợp về nhiều mặt nhằm tận dụng tốt thế mạnh trong phát triển KT-XH.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các tỉnh trên cần quan tâm nhiều hơn tới vấn đề xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng yêu cầu lao động tại các địa phương. Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc khai thác các thế mạnh về tự nhiên của vùng phải chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường, chống suy thoái tài nguyên thiên nhiên...

Hữu Phúc