Tăng cường nhận thức chống biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 28/09/2019 19:00

Ngày 27-9, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với các Đại sứ quán thành viên EU và các đối tác tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019. Mục tiêu của hoạt động này nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với nhu cầu cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.

Các bạn trẻ viết cam kết về chống biến đổi khí hậu tại hội thảo "Tuổi trẻ Hành động vì Khí hậu".

Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019

Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019 là dịp các Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) trên khắp thế giới tiếp cận cộng đồng và các tổ chức đối tác, nêu bật các hoạt động tích cực trên toàn cầu và hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu. Chuỗi các hoạt động lần này được Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với các Đại Sứ quán thành viên EU và các đối tác tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An từ ngày 27-9 đến 6-10.

Tuần lễ năm nay nhằm hướng tới giới trẻ, những người có tương lai chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu là một thực tế cấp bách và nếu chúng ta không hành động, ngày càng ảnh hưởng tới tương lai của giới trẻ cũng như các thế hệ con cháu. Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam, Bà Axelle Nicaise cho biết: "Chúng tôi ủng hộ giới trẻ và đánh giá cao những nỗ lực của giới trẻ trong việc nâng cao nhận thức về một vấn đề đáng lo ngại và cấp bách như biến đổi khí hậu. Tương lai và sự sống trên trái đất phụ thuộc vào hành động của chúng ta".

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là nằm trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững, EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng; tài trợ các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp. Được biết, trong khoảng thời gian từ 2014 tới 2020, EU dành ngân sách 320 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như 30 triệu Euro nữa cho các dự án đầu tư bền vững.

Nằm trong khuôn khổ chương trình của Tuần lễ ngoại giao khí hậu Châu Âu, trong ngày 27-9, Dự án Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) đã khánh thành hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Hệ thống này do Liên minh châu Âu (EU tài trợ) trong phạm vi hoạt động của Dự án DSED, do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng thực hiện. Dự án DSED đã lựa chọn lắp đặt thí điểm hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại bốn cơ sở công cộng, gồm: Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường THCS Hoàng Diệu và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời cũng được lắp đặt tại 6 hộ gia đình với tổng công suất lắp đặt 2,75 kWp/hệ. Tất cả các hệ thống về cơ bản đã đi vào vận hành từ tháng 6-2019 và đã hòa lên lưới điện quốc gia, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở công và các hộ gia đình được chọn.

Việc lắp đặt thí điểm 10 hệ thống điện năng lượng mặt trời góp phần giảm lượng phát thải nhà kính khoảng 34,96 tấn CO2/năm với tổng công suất lắp đặt 49,5 kWp. Tổng sản lượng điện tạo ra là 72.270 kWh/năm, trong đó tổng chi phí tiết kiệm điện hằng năm đối với cơ sở công là 26 triệu đồng/hệ và đối với hộ gia đình là 8,6 triệu đồng/hệ.

Ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trong tương lai, năng lượng được coi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam, các dự báo cho thấy vào năm 2030, phát thải khí nhà kính của Việt Nam có thể tăng gấp ba lần. EU cam kết mạnh mẽ và ủng hộ phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, bằng việc triển khai các dự án gia tăng hiệu quả năng lượng, tăng thị phần của năng lượng tái tạo và đảm bảo tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng cho mọi người".

Tuổi trẻ hành động  vì khí hậu

Cũng trong chiều 27-9, Phái đoàn Liên minh châu Âu phối hợp với Nhóm công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) và Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Tuổi trẻ Hành động vì Khí hậu" với sự tham gia của gần 500 đại biểu là đại diện các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Việt Nam và sinh viên, học sinh. Mục tiêu của hội thảo nhằm thúc đẩy sự chủ động và cam kết xây dựng hành động vì khí hậu của giới trẻ. Đây là cơ hội để các bạn trẻ tham gia vào một cuộc trao đổi cởi mở nhưng mang tính xây dựng, đồng thời khám phá những hành động cụ thể và hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày của mình để tạo ra thay đổi tích cực.

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày về hoạt động chuyển dịch sang năng lượng bền vững ở Việt Nam; nghe giới thiệu về hỗ trợ của EU trong lĩnh vực này đối với Việt Nam, cũng như các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Huế với sự tài trợ của Lux-Development. Đặc biệt, các ví dụ thực tế gần gũi, giúp các bạn trẻ hiểu được lối sống của mình có ảnh hưởng thế nào đến biến đổi khí hậu, việc lựa chọn cách tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến tương lai, do đó, thái độ của giới trẻ hôm nay rất quan trọng trong việc thay đổi cách suy nghĩ của toàn xã hội. Các bạn trẻ được cung cấp những ví dụ thực tiễn về cuộc sống ít carbon, để thay đổi qua việc tiêu dùng hằng ngày như lựa chọn thức ăn, giảm rác thải - tái chế và tái sử dụng, lựa chọn nguồn năng lượng, tiết kiệm điện và nước...

Trong khuôn khổ chương trình tiếp theo của dự án là sự kiện đạp xe ở Hội An, do tổ chức GIZ của Đức phối hợp với UBND TP Hội An thực hiện; chiếu phim "Truy tìm rạn san hô" với nội dung về sự ấm lên của đại dương và tác động tới các rạn san hô và sinh vật biển...

LÊ ANH TUẤN