Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai

Thứ năm, 28/11/2019 17:00

Ngày 27-11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai- Bộ TN và MT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) với các tỉnh, thành phố tham gia Dự án. Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện, các vấn đề tồn tại của Dự án và phương án triển khai Dự án trong thời gian tiếp theo, giải quyết tình trạng khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thực thi Dự án trong thời gian tới.

Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tốt sẽ làm giảm các khiếu kiện, tranh chấp về đất đai (ảnh: Một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với Cty lâm nghiệp tại xã Quảng Sơn (H. Đắk G'long, tỉnh Đắk Nông).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Chu An Trường cho biết: Dự án VILG được Chủ tịch nước phê duyệt Hiệp định Tài trợ từ ngày 23-12-2016, có hiệu lực từ tháng 3-2017 với tổng kinh phí 180 triệu USD, thực hiện trong thời gian 5 năm (2017-2021). Được xác định là một trong những dự án có tính chất quan trọng, chiến lược đối với ngành tài nguyên và môi trường, Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đất đai, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Kết quả của Hội thảo này sẽ được tổng hợp để cung cấp các thông tin cần thiết cho cuộc họp cấp cao giữa Ban chỉ đạo cấp quốc gia, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới, nhằm đưa ra các quyết định quan trọng cho định hướng hoạt động của Dự án này.

Theo ông Đinh Hồng Phong- Phó Giám đốc BQL dự án cấp Trung ương, sau gần 3 năm triển khai Dự án mới cơ bản hoàn thành các điều kiện để thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao. Cụ thể, Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai; Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia (MPILS); Quản lý dự án.

Theo đó, về Hợp phần 1- Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai, Bộ TN và MT đã ban hành bộ thủ tục hành chính về đất đai (cắt giảm 30 thủ tục hành chính đối với nơi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; giảm thời gian và các thủ tục, nhất là về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận). Tại các địa phương đã cải thiện phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công, như tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa; đầu tư hạ tầng nhân lực cho Văn phòng đăng ký đất đai…

Tại Hợp phần 2 - Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai MPILS, trong đó về mô hình hệ thống, Bộ TN và MT đã lựa chọn mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên quan điểm thiết kế tập trung tại Trung ương và đã thống nhất với WB tại Hiệp định của Dự án. Dự thảo thiết kế sơ bộ đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và đồng thuận với nội dung của thiết kế tại Công văn số 3599 ngày 16-10-2019.                                                                                                                                      

Đặc biệt về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến tháng 11-2019 có 86/189 huyện của 27/33 tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, trong đó có 41/86 thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được phê duyệt. Tính đến tháng 11-2019, đã có 8/31 tỉnh triển khai các gói thầu dịch vụ kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 21 huyện. Dự kiến đến hết tháng 12-2019 sẽ có 25/33 tỉnh, thành phố thực hiện các gói thầu cho thêm 60 huyện.

Hợp phần 3 - Quản lý dự án, Dự án đã hoàn thành các hạng mục xây dựng phần mềm kế toán; xây dựng dữ liệu nền theo dõi đánh giá Dự án; tổ chức 15 đoàn công tác hỗ trợ kỹ thuật cho 10 tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án để đẩy nhanh tiến độ chất lượng; tổ chức thẩm định phê duyệt dự toán kinh phí, tuyển chọn tư vấn, kiểm toán Dự án…

Tại Hội thảo, đại diện các Sở TN và MT 31 tỉnh, thành phố, lãnh đạo BQL Dự án cấp Trung ương và địa phương tập trung thảo luận 5 chủ đề chính và các nội dung liên quan như: Xác định phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu (địa bàn triển khai: tăng, giảm các huyện); Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu; Kế hoạch tổ chức mua sắm đấu thầu dịch vụ kỹ thuật; Giải pháp kỹ thuật cho việc lưu trữ, vận hành cơ sở dữ liệu từ các nhà thầu thi công khi chưa có MPILS, cung cấp dịch vụ công về đất đai; Cơ cấu nguồn vốn của toàn bộ Dự án (cam kết với WB) và bố trí nguồn vốn để thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những vướng mắc khó khăn khi thực hiện Dự án, từ đó đề ra các phương án, giải pháp khả thi và hiện thực để giải quyết các vấn đề tồn tại của Dự án; đồng thời khẳng định các cam kết của Trung ương và các địa phương trong việc cải thiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án đến năm 2021; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các thủ tục đề xuất gia hạn Dự án đến năm 2023.

DIỆU THÚY