Tăng hiệu quả đầu tư công

Thứ năm, 19/12/2019 09:11

Đây là giải pháp then chốt nhằm thực hiện hiệu quả năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2020, đồng thời tạo động lực căn bản tăng trưởng kinh tế TP. Tuy vậy, trước tiên Đà Nẵng cần sớm gỡ vướng về thủ tục, mặt bằng để có thể hấp thụ số vốn đầu tư công trên 14,3 ngàn tỷ đồng trong năm tới.

Dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý sẽ được khởi công vào tháng 3-2020.

Ưu tiên dự án nào?

Theo kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công trong năm tới, Đà Nẵng dành phần lớn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông (hơn 2,7 ngàn tỷ đồng), môi trường (hơn 1,3 ngàn tỷ đồng), công trình khai thác quỹ đất (hơn 1,7 ngàn tỷ đồng), y tế (hơn 1 ngàn tỷ đồng)... Nếu phân theo tiến độ thì hơn 3 ngàn tỷ đồng sẽ được bố trí cho 140 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020; hơn 2,3 ngàn tỷ đồng bố trí cho 37 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau 2020; hơn 1,9 ngàn tỷ đồng bố trí cho các quận, huyện... Như vậy, năm tới Đà Nẵng bố trí vốn đầu tư công tăng gấp đôi so với năm 2019, lại chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng đô thị. Điều này sẽ vừa giúp Đà Nẵng cải thiện tốt môi trường đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong năm thu hút đầu tư 2020, đồng thời chính các dự án này cũng sẽ tạo động lực phát triển bền vững cho TP. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng năm 2019 rất thấp (qua 11 tháng chỉ đạt trên 50%), liệu nguồn vốn tăng gấp đôi trong năm 2020 có hấp thụ hết? Đặc biệt, những vướng mắc căn bản trong giải ngân đầu tư công vẫn chưa được tháo gỡ.

Cụ thể, vướng mắc lớn nhất là qui trình thủ tục và giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, để hoàn tất thủ tục đầu tư qua các bước cần ít nhất 300 ngày. Với một số dự án liên quan tới điều chỉnh qui hoạch hoặc phải lấy ý kiến các cơ quan, cộng đồng dân cư thì thời gian còn lâu hơn. Chẳng hạn dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn; dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn... Một số dự án nguồn vốn lớn nhưng giải ngân chậm vì những phát sinh mới trong qui trình thủ tục. Chẳng hạn dự án Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý sau khi có ý kiến của Quân khu 5 phải điều chỉnh bổ sung kéo dài tuyến hầm trên đường Duy Tân 247m; dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà do sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam nên đơn vị tư vấn thiết kế tốn nhiều thời gian nghiên cứu... Về mặt bằng, do công tác đền bù giải tỏa chậm, nhất là khu vực thiếu đất tái định cư, giá đất tăng đột biến... nên rất khó vận động người dân, không có mặt bằng giao cho đơn vị thi công dẫn tới chậm giải ngân.  Đơn cử như các dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường vành đai phía Tây, cụm công nghiệp Hòa Nhơn...

Từ thực tế đó, những lo lắng về khả năng giải ngân hơn 14,3 ngàn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020 hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Phước Sơn lại cho rằng, nếu có quyết tâm hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Sơn nói, hàng loạt dự án lớn thời gian qua tập trung hoàn thiện thủ tục sẽ đồng loạt khởi công thời gian tới. Cụ thể như nhà máy nước Hòa Liên, Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà, Trung tâm cấy ghép tạng và tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng...

Tạo động lực tăng trưởng

Với những công trình trọng điểm tạo động lực phát triển Đà Nẵng trong thời gian qua cũng sẽ được TP bố trí đủ 90% vốn hoàn thành trong năm 2020. Trong số đó có nhiều công trình hạ tầng trực tiếp phục vụ thu hút đầu tư. Đơn cử Khu CNC tổng mức đầu tư hơn 8,8 ngàn tỷ đồng hiện đã có 400 ha đất sạch, thu hút 17 dự án đầu tư với tổng vốn 300 triệu USD. Không chỉ tiếp tục xây dựng hạ tầng, TP còn triển khai đề án mở rộng qui hoạch khu CNC (diện tích mở rộng bao gồm khu CNTT tập trung giai đoạn 2 rộng 241 ha). Hàng loạt công trình giao thông hay môi trường không chỉ phục vụ TP phát triển bền vững mà còn tăng sức hấp dẫn, thuận lợi cho môi trường đầu tư Đà Nẵng. Đơn cử như dự án Phát triển bền vững Đà Nẵng với tổng vốn hơn 358 triệu USD nhằm mục đích cải thiện môi trường đô thị theo hướng sạch, an toàn, có chiều sâu và sử dụng năng lượng hiệu quả. Hoặc một loạt dự án giao thông như đường vành đai phía Tây (từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh) tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý tổng mức 723 tỷ đồng, Trục I Tây Bắc tổng mức 365 tỷ đồng, Cầu và đường qua sông Cổ Cò...

Trong năm tới TP cũng cấp vốn lớn để xây dựng nhà máy nước Hòa Liên (1.170 tỷ đồng), triển khai dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà (1.448 tỷ đồng). Đặc biệt, nhiều công trình qui mô lớn, có ý nghĩa động lực phát triển địa bàn cũng được đầu tư bằng ngân sách trung ương. Cụ thể như dự án cảng Liên Chiểu (bao gồm xây dựng đường kết nối từ cảng đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc) hiện đã bố trí 300 tỷ đồng triển khai phần hạ tầng dùng chung từ năm 2020; dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng năm 2020 sẽ bố trí 500 tỷ đồng...

Như vậy với nguồn vốn đầu tư công lớn, tập trung vào các dự án thiết yếu sẽ giúp Đà Nẵng tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi để thu hút đầu tư, đồng thời giải quyết tốt bài toán quá tải, xuống cấp hạ tầng đô thị hiện nay. Từ đó, cũng sẽ tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh năm 2020 TP tiếp tục thực hiện chủ đề thu hút đầu tư. Ở khía cạnh khác, chính các dự án đầu tư công hiệu quả cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế, giúp Đà Nẵng phát triển bền vững.

HẢI QUỲNH

Kêu gọi đầu tư hơn 13 ngàn tỷ đồng

Có 5 công trình với tổng mức đầu tư trên 13,3 ngàn tỷ đồng được TP kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới. Nổi bật là Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn công suất 1 ngàn tấn/ngày, tổng vốn khoảng 2,2 ngàn tỷ đồng, diện tích 7 ha. Dự án Di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị gồm xây dựng tuyến đường sắt mới dài 29km, xây dựng công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt, xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa tổng mức đầu tư khoảng 10,2 ngàn tỷ đồng.