Tầng lớp trung lưu Brazil đang khốn đốn

Thứ sáu, 21/10/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Dưới “triều đại” Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, cùng với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, Brazil có gần 40 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu (tầng lớp C) kể từ năm 2003. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người trong số này đang có nguy cơ trở lại nghèo đói.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân đằng sau nguy cơ đảo ngược của nền kinh tế Brazil, trong đó có sự phát triển chậm lại theo xu hướng chung của toàn thế giới, lạm phát tăng cao và mức nợ hộ gia đình cao.

“Có những dấu hiệu cho thấy các lớp trung lưu mới nổi đang gặp nguy hiểm. Đó là một tin xấu cho Brazil. Nếu điều này xảy ra, nó được coi là một thảm họa”, Giáo sư Marcelo Neri, một chuyên gia tại Trung tâm Chính sách xã hội trường kinh doanh FGV ở Rio de Janeiro cho biết. Các chuyên gia cho rằng, nhóm có nguy cơ cao nhất trở lại nghèo đói là những người lần đầu tiên có thu nhập cao và chi tiêu vượt quá nhu cầu cơ bản. “Người dân đã choáng ngợp bởi những cơn sốt tiêu dùng, họ cần được giáo dục về quản lý tài chính”, Alessandra Ninis, người điều hành dự án “tầng lớp trung lưu mới” tại Bộ các vấn đề chiến lược Brazil cho biết. Mức nợ của người tiêu dùng đã tăng 3% trong tháng 8 và tăng 29,2% so với năm 2010.

Nhu cầu tín dụng đang chậm lại, một phần vì các ngân hàng trung ương đột ngột tăng lãi suất 175 điểm cơ bản trong tháng 8 vừa qua. Và khi “tầng lớp C” - hiện có mức thu nhập dao động từ 1.200 đến 5.174 reais (656 – 2.827 USD) mỗi tháng -  rơi trở lại đói nghèo, mức tăng trưởng tín dụng ước tỉnh chỉ đạt một nửa so với mức trung bình hiện có của quốc gia. Ngoài ra, việc không thắt chặt tiền tệ; không có chính sách tài chính để kiềm chế mức lạm phát 7,3% và nhất là thiếu cơ cấu cải cách để giải quyết mức tiền lương cũng như giá cả đã làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Nhiều người Brazil nói rằng, họ cảm nhận được “đói nghèo” đang ập đến. Ngân sách đang được thắt chặt. Giá cả thực phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác đều tăng lên.

 Một trung tâm mua sắm dành cho giới trung lưu ở Refice, Brazil. Ảnh: Reuters

Giải pháp nào cho Brazil?

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả thảm khốc cho chính quyền của nữ Tổng thống Dilma Rousseff và một nền kinh tế nằm trong số những nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ của thế giới.

Theo các chuyên gia, cách mà bà giải quyết vấn đề có thể quyết định cơ hội cho mình trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2014. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các Cty của Brazil cũng như các Cty đa quốc gia đóng tại nước này. Ví dụ, các nhà sản xuất xe hơi như Hyundai và Fiat phụ thuộc rất nhiều vào Brazil – hiện là thị trường ô-tô xếp thứ 5 thế giới - trong những năm gần đây để giúp tăng trưởng doanh thu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Wellington Moreira Franco, người có trách nhiệm phối hợp các kế hoạch dài hạn, cho biết: “Những gì chúng tôi muốn làm là tạo ra một loại “phanh” để ngăn chặn những người Brazil thuộc tầng lớp trung lưu rơi trở lại tình trạng nghèo khó”. Năm 2009, khi sức mua tiêu dùng giảm mạnh, Brazil đã đối phó bằng một chương trình kích thích tài chính khổng lồ. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này vào thời điểm hiện nay, sẽ gặp phải nhiều hạn chế, vì Brazil vẫn chịu tác dụng phụ từ việc sử dụng ngân sách phung phí.

Chính phủ của bà Rousseff đã đưa ra những kế hoạch ngăn chặn hậu quả do nền kinh tế tụt dốc, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy tác dụng. Chính quyền Tổng thống Rousseff vừa đưa ra một chương trình tín dụng nhỏ dành cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm giảm chi phí vốn; và một chương trình đào tạo dành cho các nhân viên - những người sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng trong tương lai. Một biện pháp khác mà chính phủ đang quan tâm là trợ cấp hằng tháng cho những người lao động tham gia chương trình đào tạo và thu nhập lên đến 1.100 reais. Bà Rousseff cũng cho phép tự do hóa thị trường truyền hình cáp, mở rộng vùng phủ sóng Internet cước phí thấp, và cải thiện chăm sóc y tế tư nhân.

Thúy Ngọc (Theo Reuters)