Tăng mức xử phạt kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực giáo dục

Thứ năm, 06/01/2022 14:38

Bắt đầu từ ngày 1-1-2022, Nghị định 127/2021 (NĐ 127) của Chính phủ ban hành ngày 30-12-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 04/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chính thức có hiệu lực. 

Bắt đầu từ ngày 1-1-2022, có nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. (Ảnh minh họa)

Điểm đáng chú ý ở NĐ 127 là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng (tăng 25 triệu đồng), đối với tổ chức tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng (tăng 50 triệu đồng). Cũng tại NĐ này, mức xử phạt liên quan đến vi phạm về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng tăng, cụ thể mức phạt từ  80 triệu đồng đến 110 triệu đồng (mức tối đa tại NĐ 04 là 100 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng).

Ngoài ra, NĐ 127 cũng bổ sung, sửa đổi một số điểm, khoản tại điều 5, điều 6..., theo hướng tăng mức xử phạt hành chính đối với từng trường hợp cụ thể. Đơn cử như phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 90 triệu đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên (mức cũ tại NĐ 04 từ 60 đến 80 triệu đồng); Phạt tiền từ 110 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (mức cũ từ 80 -100 triệu đồng)... Đồng thời, NĐ 127 bổ sung quy định: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức hoặc cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó...

NĐ 127 cũng quy định rõ, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục xảy ra trước thời điểm NĐ này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng quy định của NĐ số 04/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để xử lý trừ trường hợp NĐ 127 không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày Nghị định 127 có hiệu lực thì áp dụng quy định tại Nghị định 127. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định 127 có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và các quy định pháp luật có liên quan để giải quyết.

Trước NĐ 04, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được áp dụng theo NĐ 138/2013 được Chính phủ ban hành ngày 22-10-2013, với mức xử phạt cao nhất là 80 triệu đồng. Sau 7 năm thực thi, NĐ này được thay thế bằng NĐ 04. Và chỉ sau hơn 10 tháng kể từ khi NĐ 04 có hiệu lực, Chính phủ tiếp tục ban hành NĐ 127 bổ sung, sửa đổi một số điều của NĐ 04. Điều đó phần nào cho thấy, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giáo dục trước đó vẫn chưa thực sự đủ nặng để có tính răn đe với hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trên lĩnh vực vốn được xem là khá nhạy cảm với toàn xã hội này.

Vì thế, với việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giáo dục được bổ sung, sửa đổi tại NĐ 127, xã hội hy vọng những sai phạm, vi phạm hành chính ở lĩnh vực này sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, để NĐ 127 thực sự phát huy hiệu quả, song hành cùng đó các cơ quan có chức năng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng thường xuyên, giám sát sát sao hơn. Nếu không, cũng sẽ chỉ là “giơ cao đánh khẽ” mà thôi!

Khánh Yên