Tặng thưởng văn học năm 2015 của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng: Hướng đến những bước đột phá trong tương lai

Thứ ba, 17/11/2015 09:38

(Cadn.com.vn) - Theo thông báo của Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, trong số 9 tác phẩm gửi tham dự xét giải, xét giải thưởng, tặng thưởng Văn học TP Đà Nẵng năm 2015, bao gồm các thể loại tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, thơ... Kết quả có 4 tác phẩm được trao thưởng: Tập thơ "Phù sa rưng rưng" của Nguyễn Hoàng Thọ xếp loại A (chuyển Liên hiệp các Hội VHNT trao Giải thưởng); Tập thơ "Người thoáng hiện" của Tagore (Bùi Xuân dịch) loại A; Bút ký "Đi tìm huyền thoại cho đất" của Nguyễn Nhã Tiên loại B; Tập thơ "Biến tấu của giấc mơ" của Nguyễn Văn Tám loại C. Về thơ gồm các tác phẩm: "Trong miệt mài tôi quên" của H'Man, "Dáng hình Tổ quốc" của Lê Anh Dũng, "Phù sa rưng rưng" của Nguyễn Hoàng Thọ, "Biến tấu của giấc mơ" của Nguyễn Văn Tám.

 Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, tập thơ "Phù sa rưng rưng" của Nguyễn Hoàng Thọ gây ấn tượng bởi những tác phẩm có tiết tấu mạnh mẽ, nội dung hàm súc, gần gũi về những khát vọng, trăn trở của thân phận người trí thức trước vận mệnh thăng trầm, buồn vui thời cuộc... Tập thơ "Biến tấu của giấc mơ" của Nguyễn Văn Tám mang nhiều cảm xúc về đất nước, quê hương, về những con người mà tác giả từng gặp, từng sống chung trong chiến tranh cũng như hiện tại. Trong đó, có một số bài thơ hay và xúc động như: "Thơ và tôi", Làng tôi", "Về quê", "Chiều Vu Gia"... Ngoài thơ, Nguyễn Văn Tám còn là người vẽ tranh, viết nhạc và đàn hát... Anh nói: "Âm nhạc, hội họa và thơ là ba ngôn ngữ tuy khác nhau nhưng không bao giờ thiếu nhau, cứ phải đứng gần nhau để tôn tạo cho nhau. Hơn tất cả những gì không nói được thì thơ sẽ nói. Sỏi đá, tro khói cũng khát khao bật lên những những lời thầm kín. Con người cũng khát khao vươn tới hoàn thiện mình hơn".

Tập thơ "Người thoáng hiện" của Tagore là tác phẩm dịch thuật mới nhất của Bùi Xuân trong vài năm gần đây, sau các tác phẩm Bầy chim lạc (Stray Birds) và Mùa hái qua (Fruit - Gathering) cũng của Tagore. Có lẽ, Bùi Xuân có sự "thuận lợi" trong việc chuyển ngữ do chính anh là một nhà thơ và lại là nhà nghiên cứu lịch sử.  Tuy nhiên, điều đáng quý hơn hết, trong quá trình lặng lẽ, chăm chút hoàn tất những tác phẩm nói trên, anh đã góp phần đem lại bạn đọc Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thơ Tagore.

Các tác phẩm tham dự xét giải, xét giải thưởng, tặng thưởng Văn học TP Đà Nẵng năm 2015.

 Về văn xuôi có các tác phẩm: Ngọn lửa xanh (ký của Trần Trúc Tâm), Ký ức người chiến sĩ (ký của Bùi Hồng Khanh), Thuyền độc mộc (tiểu thuyết của Bùi Công Dụng), Đi tìm huyền thoại cho đất (bút ký của Nguyễn Nhã Tiên). Trong đó, Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã  Tiên gồm 45 bài bút ký đã dẫn dắt người đọc đi từ những dòng sông Vu Gia, Thu Bồn của đất Quảng (Đi tìm huyền thoại cho đất, Dằng dặc Thu Bồn) đến với cao nguyên đá Đồng Đăng (Nơi đầu mây, đầu gió); từ thánh địa Mỹ Sơn và những địa tầng văn hóa Chămpa (Mỹ Sơn nhớ và quên) đến Côn Sơn của Nguyễn Trãi (Nơi đỉnh núi thơ và mây trắng); từ non thiêng Đền Hùng (Hát dưới chân Đền Hùng) đến đất Phật (Mùa cổ điển Ấn Độ - mật ngôn trên xứ sở sông Hằng)... Bằng giọng văn trau chuốt, chắt lọc, mỗi bài viết trong tập sách gần như một bài thơ lãng mạn, đằm thắm, đậm chất nhân văn. Dù vậy, theo nhận định của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật-một thân hữu của tác giả:  "Rằng, cái ưu của tập bút ký này là sự buông cương cho cảm xúc, đồng thời nó cũng chính là cái nhược. Có nghĩa là, sự tự do trong cảm xúc nên được kiềm chế lại một chút. Để cho những chữ hiện ra trong trạng thái yên tĩnh hơn, giản dị hơn...".

Nhìn chung, Giải thưởng Văn học TP Đà Nẵng năm 2015 không thu hút số lượng  tác phẩm phong phú vượt trội so với những năm gần đây. Lớp người trẻ kế thừa thiếu vắng. Đề tài đặc trưng về đời sống và mảnh đất con người Đà Nẵng chưa thể hiện dấu ấn đậm nét. Một lần nữa, đây cũng là dịp đội ngũ cầm bút cần suy nghĩ nhìn lại, để tìm ra con đường sáng tạo mới, hướng đến những bước đột phá trong tương lai...

T.T.S

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ ba (2010 - 2014)

Tính đến nay, đã có 17 tác phẩm văn học tham dự xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ ba (2010 - 2014) của Hội Nhà văn TP  Đà Nẵng. Trong đó, có 6 tác phẩm thơ, 11 tác phẩm văn xuôi gồm các thể loại:  tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nghiên cứu văn học... Theo kế hoạch, đến cuối tháng 11, Hội đồng sơ khảo Hội Nhà văn sẽ thẩm định chọn ra 9 tác phẩm chất lượng (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, và 3 giải Khuyến khích) và chuyển hồ sơ lên Hội đồng xét tặng giải thưởng của Liên hiệp Hội.

Dự kiến tổ chức trao tặng Giải thưởng sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 20-3-2016.