Tăng tốc hoàn thiện hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh
Theo kế hoạch, cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét về việc xây dựng công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Lý Sơn-Sa Huỳnh. Nếu được công nhận, CVĐC toàn cầu Lý Sơn-Sa Huỳnh không chỉ có giá trị là di sản nhân loại mà còn là tiền đề để TP Quảng Ngãi phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội. Thế nhưng để hoàn thiện hồ sơ cũng như những điều kiện trình UNESCO thì những phần việc UBND tỉnh cần làm hiện nay còn khá nhiều.
Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh hoàn toàn có tiềm năng trở thành công viên địa chất toàn cầu. |
Tiềm năng lớn
CVĐC Lý Sơn ban đầu được thành lập có tổng diện tích hơn 100 km2, gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, H. Bình Sơn. Về sau, chương trình được mở rộng nghiên cứu ra các khu vực lân cận phức hệ thung lũng miền núi (Quảng Ngãi-Trà Bồng), duyên hải (Quảng Ngãi-Sa Huỳnh) và phức hệ biển đảo (Quảng Ngãi-Lý Sơn). Từ tháng 3-2019, Ban quản lý CVĐC Lý Sơn cho biết qua tham vấn cộng đồng, cơ quan chức năng đã thống nhất trình tỉnh Quảng Ngãi về việc đổi tên "CVĐC Lý Sơn" là "CVĐC Lý Sơn- Sa Huỳnh" (tên tiếng Anh là Ly Sơn Sa Huynh Geopark) và đang chuẩn bị trình UNESCO. Ban quản lý cũng thông tin quy hoạch dự kiến vùng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh sẽ gồm các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi. Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí cho biết: Từ tháng 1-2018 đến nay, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã phối hợp với Ban Quản lý CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh đã tiến hành 11 đợt khảo sát đánh giá về khoáng sản, địa mạo cảnh quan, địa văn hóa tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đến nay đã có 1.130 điểm được khảo sát ở CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh, lấy mẫu 189 mẫu lát mỏng, 100 mẫu địa hóa. Thời gian tới, Ban Quản lý CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh sẽ hoàn chỉnh định tuyến du lịch, thiết kế nội dung, giới thiệu các điểm di sản, điểm dừng chân, triển khai các hoạt động truyền thông đến người dân, cán bộ, học sinh... Dự kiến hoàn thiện và nộp hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh là CVĐC toàn cầu vào tháng 11-2019. Theo các thành viên Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành bảo tàng địa chất ngoài trời về các loại đá qua các thời kỳ; trong đó có nhiều loại đá biến chất, núi lửa, trầm tích cổ, kèm theo nhiều loại hình khoáng sản...
Còn nhiều nỗi lo
Không thể phủ nhận giá trị và tiềm năng của CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh hoàn toàn xứng đáng với quy mô toàn cầu. Thế nhưng những giá trị này đang có nguy cơ bị che lấp bởi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác. Cụ thể, ngay từ những lần đầu tiên đi khảo sát khu vực CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh, không ít chuyên gia quốc tế bày tỏ sự e ngại trước thực trạng rác thải tràn lan do phát triển du lịch. Tại hội nghị triển khai kế hoạch CVĐC vào đầu tháng 3 vừa qua, ông Guy Martini-Chuyên gia tư vấn quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đưa ra 10 khuyến nghị với tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, trong đó ông đề nghị tỉnh Quảng Ngãi phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách đầy đủ năng lực, có chủ trương, chính sách rõ ràng, nguồn kinh phí đảm bảo, xử lý triệt để vấn đề bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức về CVĐC cho người dân trong tỉnh... Những vấn đề này cần đảm bảo giải quyết rốt ráo trước khi hoàn thiện và trình hồ sơ cho UNESCO vào tháng 11-2019.
Ngoài những "cánh báo" của ông Martini về vấn đề rác thải thì việc mở rộng diện tích CVĐC lên đến 4.600 km2 bao gồm nhiều giá trị di sản đa dạng phong phú về địa chất, văn hóa, lịch sử, cảnh quan sẽ đưa lại khả năng được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu cao hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp nằm trong diện tích này sẽ dễ phá hỏng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh. Theo quy hoạch chung, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh xây dựng Khu kinh tế Dung Quất rộng hơn 435 km2. Dự kiến đến năm 2025, Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị công nghiệp dịch vụ cảng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Như vậy, khu công nghiệp rộng lớn này sẽ nằm trong diện tích CVĐC. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho rằng, việc xây dựng công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh không chỉ để có danh hiệu, mà đây là mô hình phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững trong tương lai, vì vậy UBND tỉnh rất quyết tâm trong việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO. "Thời gian gấp rút, ngoài hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO, các hoạt động khác như truyền thông, triển khai các tour, tuyến du lịch, xây dựng quan hệ đối tác... cũng đang được đẩy mạnh triển khai. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền tới người dân ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, đồng lòng với chính quyền địa phương nâng tầm giá trị của CVĐC này", ông Dũng cho biết.
Đồng Dao