Tăng trưởng năm 2015 và dự báo năm 2016: Năm sau khó khăn hơn năm trước?

Thứ hai, 28/12/2015 08:54

(Cadn.com.vn) - C ông bố tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, ngày 26-12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014; cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy nền kinh tế tuy còn gặp những khó khăn song đã và đang lấy lại đà tăng trưởng khá cao. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,98% của năm 2014 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết, trong năm 2015, sản xuất một số ngành có dấu hiệu phục hồi tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm nay ước tính tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 7,6% của năm 2014. Trong mức tăng chung, ngành khai khoáng tăng 6,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-12-2015 tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng 10,2% của năm 2013 và mức tăng 10% của năm 2014.

Bên cạnh đó, CPI tháng 12-2015 so với tháng 12-2014 tăng 0,02%. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,05%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15-12-2015 thu hút 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2015 cũng ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2015 tăng 12,4%. Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng cao: điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%, điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,5%, giày dép chiếm 79,7%; hàng dệt may chiếm 60,4%. Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.

Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2014.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2015, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, năm 2016, sẽ có những khó khăn và thách thức như: nếu giá dầu thô tiếp tục giảm xuống 30USD, 35USD/thùng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm.

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ cho biết, nếu giá điện được điều chỉnh, điều này sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, làm giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá đã được điều hành tương đối linh hoạt song vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ các yếu tố bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, tâm lý thị trường và nhập siêu. Trong khi đó, tác động của thực thi các hiệp định thương mại với lộ trình thuế suất bằng 0% sẽ làm tăng nhập khẩu, cạnh tranh trong nước mạnh hơn; độ mở của nền kinh tế cao, năm sau cao hơn năm trước và tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, nền kinh tế ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh vào kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước còn yếu, dẫn tới nhập siêu và sức ép vào cung ngoại tệ và tỷ giá. Ngoài ra, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm dự báo, nhìn chung tình hình kinh tế năm 2016 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua. Năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể là: tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%; lạm phát dưới 5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%; nhập siêu dưới mức 5% kim ngạch xuất khẩu.

T.T