Tanzania-Rwanda căng thẳng, người tị nạn khốn khổ

Thứ bảy, 07/09/2013 14:00

(Cadn.com.vn) - Hàng ngàn "người nhập cư bất hợp pháp" đã bị Tanzania trục xuất đến Rwanda trong tháng qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai chính phủ.

Vì động cơ chính trị?

Với quả bóng được làm từ lá chuối, hàng chục trẻ em đang chơi trên một cánh đồng khô nứt tại trại tị nạn Kiyanzi ở miền đông Rwanda. Cách đó không xa, nhiều phụ nữ đang nấu đậu và sắn trong những ngôi nhà tạm bợ được dựng bằng cây và những tấm tôn. Họ nằm trong số khoảng 6.600 người vượt qua biên giới trong tháng qua sau khi Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete ra lệnh trục xuất "những người nhập cư bất hợp pháp" và "tội phạm", trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Rwanda ngày càng tăng do cuộc xung đột tại Congo.

Tanzania lo ngại, Rwanda có thể gây bất ổn cho nước mình, để trả đũa cho quyết định gửi quân tới Congo như một phần của một lực lượng LHQ mới tìm cách giải giáp vũ khí và trung hòa nhóm phiến quân M23. M23 được nhiều người coi là “trở ngại” của Rwanda, mặc dù chính phủ Kigali phủ nhận việc ủng hộ nhóm này hoặc đang tìm kiếm xung đột với Tanzania. Bộ trưởng Bộ Tị nạn và quản lý thiên tai Rwanda, Seraphine Mukantabana cho rằng, hành động trục xuất của Tanzania mang động cơ chính trị và chỉ ra rằng, nhiều phụ nữ, trẻ em và người già bị trục xuất. "Tôi nghĩ rằng những người này không phải là tội phạm", bà nói với BBC. Nhưng một số nhà phân tích bác bỏ việc trục xuất có liên quan đến ngoại giao giữa hai nước, cho rằng Tanzania “trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp” trước đây - và Tanzania không chỉ bị trục xuất người nhập cư về Rwanda mà còn trục xuất 4.000 người tới Burundi.

Khu trại được thành lập cho những người bị trục xuất khỏi Tanzania. Ảnh: BBC

Không biết gì về cuộc sống mới

Trong số những người bị đưa về lại Rwanda, nhiều người đang sống chung với bạn bè và người thân của họ trong khi khoảng 3.000 người phải sống tại các trại tập trung.

Trong số những người bị đưa về Rwanda lần này có Vestine Kampundu, 34 tuổi, một phụ nữ mang thai. Ba mẹ bà là người Rwanda, chạy trốn cuộc xung đột trong nước vào những năm 1960 đến Tanzania và bà được sinh ra ở đây. Kampundu cho biết chưa bao giờ đặt chân tới Rwanda, cho đến khi bà bị đưa đến đây vào tháng 8. "Khi cảnh sát đến nhà, chồng tôi không có mặt. Họ bảo tôi cho xem giấy tờ, tôi đưa cho họ giấy khai sinh nhưng họ nói rằng giấy tờ không đủ và buộc chúng tôi về nước", bà Kampundu nói. "Chồng tôi đã có giấy phép lao động, nhưng họ nói rằng phải có thẻ công dân và phải là thẻ công dân dưới thời kỳ Tổng thống Nyerere mới hợp lệ", bà cho biết, đề cập đến lãnh đạo đầu tiên của Tanzania sau độc lập. Bà cho biết, chồng mình bị giết, có lẽ bởi những tên trộm gia súc, khi ông vượt qua biên giới cùng với đàn gia súc.

Đó là câu chuyện mà nhiều người bị trục xuất khỏi Tanzania đã trải qua. Họ sống ở Tanzania cả cuộc đời, nhưng buộc phải rời khỏi đây vì không có thẻ công dân. "Lý do chúng tôi đã không làm thẻ công dân là các nhà lãnh đạo địa phương trước đây nói rằng nếu một người sinh ra ở Tanzania và có giấy khai sinh, họ đủ điều kiện trở thành công dân Tanzania. “Ngay cả một số nhà lãnh đạo cũng chỉ có giấy khai sinh mà thôi”, bà Kampundu nói.

Trong khi đó, Giám đốc Các vấn đề người tị nạn Rwanda Jean Claude Rwahama nói rằng, chính phủ nỗ lực giúp đỡ những người như cô Kampundu bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng đây là việc không dễ dàng gì. Rwanda có mật độ dân số cao. Nhiều người trong trại cũng không xem mình là người Rwanda. Ông Daniel Mugisha, người cha của 3 đứa con cho biết: “Cuộc sống hiện giờ rất khó khăn đây. Ở Tanzania, tôi là nông dân sống bằng nghề chăn nuôi gia súc nhưng bây giờ tôi chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ”.

                An Bình

(Theo BBC)