Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động thi hành án

Thứ hai, 14/04/2014 11:21

(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG- Chiều 11-4, Đoàn ĐBQH TP tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi. Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo, các chấp hành viên Cục THADS TP và các Chi cục THADS quận, huyện.

Các đại biểu góp ý dự thảo Luật THADS sửa đổi.

Dự thảo Luật THADS sửa đổi dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều, bãi bỏ 4/183 điều so với Luật hiện hành. Góp ý về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật, một số đại biểu (ĐB) thống nhất tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và đề nghị phạm vi sửa đổi chỉ tập trung những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách và đã rõ. Các ĐB khác lại cho rằng, để giải quyết triệt để vướng mắc, bất cập của thực tiễn THADS, cần nghiên cứu, sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật THADS.

Về vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong THADS, ý kiến các ĐB đều thống nhất cho rằng, ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành thì TA chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, các loại quyết định khác  chỉ mang tính chất hành chính thì do cơ quan THADS thực hiện. Về trách nhiệm xác minh điều kiện THA, một số ĐB đề nghị cần sửa Luật theo hướng chuyển trách nhiệm xác minh điều kiện THA từ người được THA sang chấp hành viên và miễn chi phí xác minh điều kiện THA cho người được THA.

Về khoản tiền chậm THA, một số ĐB đề nghị cần quy định, ngoài các khoản tiền phải THA theo bản án, quyết định của TA, cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải THA phải nộp cho ngân sách Nhà nước 0,05%/tổng số tiền chưa thi hành nhằm tăng cường tính răn đe của pháp luật. Về xã hội hóa hoạt động THA, ý kiến các ĐB cho rằng, hoạt động thừa phát lại đang được thí điểm thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bước đầu đạt kết quả tốt và được xã hội đón nhận tích cực, cần bổ sung quy định nội dung này trong Luật THADS để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa sâu rộng hoạt động thừa phát lại.

Tin, ảnh: K.Thanh