Tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất công nghiệp sớm trở lại bình thường

Thứ bảy, 30/10/2021 19:48

Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, hoạt động sản xuất tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp (gọi tắt là KCN) trên địa bàn TP Đà Nẵng dần hồi phục. Phóng viên (P.V) Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng về những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất, kiến nghị để hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn TP trở lại bình thường.

Ông Phạm Trường Sơn.

P.V: Ông có thể cho biết về tình hình thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn TP?

Ông Phạm Trường Sơn: Tính đến nay, các KCN trên địa bàn TP đã thu hút tổng cộng 503 dự án đầu tư, trong đó, có 373 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng và 130 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1,9 tỷ USD. Các dự án đang hoạt động tại các KCN đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 68.400 lao động, chiếm tỷ lệ khoảng 20% lực lượng lao động toàn TP. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất tại các KCN đã tạo ra tổng doanh thu gần 19.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 522 triệu USD (chiếm tỷ trọng gần 65%/tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn TP), kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 413 triệu USD (chiếm tỷ trọng hơn 64%/tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn TP), nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.524 tỷ đồng…

P.V: Hoạt động sản xuất tại các KCN gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh?

Ông Phạm Trường Sơn: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, các nhà máy sản xuất tại các KCN trên địa bàn TP chỉ được hoạt động với tối đa 50% số lượng lao động. Đặc biệt là thời gian 3 tuần thực hiện phong tỏa "cứng" từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-2021, các nhà máy phải thực hiện sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" với tối đa 30% số lượng lao động thì chỉ có 179 nhà máy hoạt động với tổng số lao động hơn 15.000 người nên công suất hoạt động sản xuất thời gian này đạt mức thấp từ 15 - 30% so với thời điểm bình thường, tổng giá trị sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 14 - 30%... Về tài chính của các doanh nghiệp, do đứt gãy các khâu cung ứng, sản xuất, kinh doanh từ việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sụt giảm mạnh làm cho nguồn thu không bù đắp nổi chi phí, trả lãi ngân hàng. Bên cạnh đó, còn có các khoản phải chi khác như: tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, BHXH,v.v… khiến cho các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Về đời sống của người lao động thì có rất nhiều người lao động phải tạm nghỉ việc, không có thu nhập nên rơi vào tình cảnh khó khăn, hơn 10.700 lao động mất việc làm, phải nghỉ không lương do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện có khoảng 90% nhà máy tại các KCN trên địa bàn TP khôi phục hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.

Một nhà máy sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng).

P.V: Để hoạt động sản xuất tại các KCN trở lại bình thường, Ban Quản lý có những kiến nghị, đề xuất gì?

Ông Phạm Trường Sơn: Thứ nhất là về lưu thông và tiêu thụ hàng hóa: tháo gỡ và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu ra vào TP nói chung, các KCN nói riêng được thuận lợi và kịp thời. Thứ hai là về tiêm vaccine phòng COVID, đi lại và xét nghiệm COVID cho người lao động: ưu tiên và đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động để sớm đạt 100% người lao động đã tiêm mũi 1 để được đi làm ổn định và tiến tới tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ người lao động. Đối với vấn đề xét nghiệm cần có quy định thống nhất, phù hợp với quy định của Bộ Y tế và tình hình thực tế của địa phương để doanh nghiệp có kế hoạch phân bổ chi phí, tổ chức sản xuất cho phù hợp. Thứ ba là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp: đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như: giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền điện, giảm tiền nước, giảm tiền lãi vay, miễn hoặc giảm BHXH, hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID… Riêng Ban Quản lý đã có đề xuất miễn giảm tiền thuê đất tại các KCN với thời gian miễn giảm là 1 năm cho 418 doanh nghiệp với tổng số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ miễn giảm hơn 25,6 tỷ đồng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định để sớm  hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thứ tư là tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động. Thứ năm là các chính sách hỗ trợ người lao động nhằm góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động. Thứ sáu là đẩy nhanh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các KCN: đề xuất HĐND TP sớm có ý kiến về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các giai đoạn tiếp theo; đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư 3 khu công nghiệp mới gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn để TP sớm triển khai lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !

PHÚ NAM (thực hiện)