Tạo điều kiện để người dân tham gia góp ý các dự thảo Luật
(Cadn.com.vn) - Chiều 23-7, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Trương Hòa Bình - Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư làm Trưởng đoàn có chương trình khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” tại TP Đà Nẵng. Đồng chí Trần Thọ-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì buổi làm việc với đoàn.
Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Báo cáo do đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trình bày cho thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 trên địa bàn Đà Nẵng, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 48, làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, cán bộ và đảng viên trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đến nay, việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND thành phố đạt khoảng 95%; UBND thành phố đạt trên 90% và UBND cấp quận, huyện đạt 100%. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND thành phố. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và năng lực ban hành chính sách, văn bản QPPL của UBND các cấp và năng lực tổ chức thực hiện. Xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiện đại và dân chủ, tập trung và chuyên môn hóa một số lĩnh vực về hoạt động quản lý đô thị, hình thành đồng bộ chính quyền điện tử; đẩy mạnh cải cách hành chính sâu rộng hơn và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cả về lượng và chất, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
Đồng chí Trần Thọ cho biết, những năm qua, ngoài đẩy mạnh chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều sự đột phá trong công tác cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như chủ động xây dựng nhiều văn bản để phát triển đội ngũ cán bộ, đổi đất lấy hạ tầng để đầu tư phát triển lại hạ tầng cơ sở; thực hiện chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm; chính sách đối với người nghiện, tạo điều kiện làm ăn cho người hoàn lương, chính sách đối với hộ nghèo; giảm tiền sử dụng đất; gắn cải cách hành chính với cải cách tư pháp, nâng cao vai trò thẩm định của các cơ quan chuyên môn nhất là Sở Tư pháp để tránh sai sót khi ban hành các văn bản QPPL; thi tuyển các chức danh tư pháp; nâng cao tỷ lệ các phiên tòa xét xử công khai có luật sư tham gia... từ đó tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của thành phố.
Đồng chí Trương Hòa Bình tặng bức tranh Trống Đồng cho lãnh đạo TP Đà Nẵng. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 48 tại Đà Nẵng, đồng thời cho rằng công tác quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 48, thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại thành phố trong thời gian qua có những cách làm năng động, sáng tạo. Có những cái đúng, quyết liệt và dám chịu trách nhiệm góp phần thúc đẩy KT-XH của thành phố nhưng cũng có cái còn chưa phù hợp và Thường vụ Thành ủy cũng đã nhìn nhận thẳng thắn điều này.
Đồng chí Trương Hòa Bình cũng lưu ý ngoài các vấn đề đã báo cáo cần đề cập sâu hơn đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong nhân dân, các khiếu kiện tại địa phương; phát hiện các bất cập, khiếm khuyết trong các văn bản QPPL; với những văn bản nào không đi vào đời sống xã hội hoặc chưa đúng thì cần phải có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ... Ngoài ra thành phố cũng cần có biện pháp tuyên truyền quyết liệt Hiến pháp và các văn bản QPPL mới; sửa đổi, bổ sung các sáng kiến luật sâu hơn nữa để sát với thực tiễn và phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 48; tạo điều kiện để người dân Đà Nẵng tham gia góp ý với các dự án luật trước khi được Quốc hội thông qua... từ đó đưa pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong đảm bảo ANCT-TTATXH, phát triển KT-XH cũng như xây dựng xã hội sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật.
Nguyễn Tuấn