Tảo mộ thời nay

Thứ hai, 10/02/2014 11:18

(Cadn.com.vn) - Trở thành thông lệ, ra Tết, người người, nhà nhà sắp xếp thời gian tảo mộ ông bà... Nếu trước đây, công việc này thường được chính những người thân trong gia đình, dòng tộc đảm trách, thì nay có hẳn một đội ngũ những người làm thuê. Những ngày này, ở hầu hết các nghĩa trang, công việc tảo mộ thuê đã trở nên tất bật, vội vã. Đến với nghĩa trang Hòa Sơn (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), có thể cảm nhận rất rõ điều này.

Từ khi giải tỏa đất để làm nghĩa trang đến nay, nhiều người dân ở xã Hòa Sơn (H. Hòa Vang) gác hẳn công việc làm nông, làm chổi... để bước sang làm một công việc mới: tảo mộ. Ở đây, tảo mộ được xem là nghề hẳn hoi, và người ta làm quanh năm suốt tháng chứ không đơn thuần là việc dọn dẹp, sửa sang phần mộ của người thân vào dịp Tết.

Tại nghĩa trang có rất nhiều công việc, và có hẳn một ban quản lý để đảm bảo trật tự. ở Nghĩa trang Hòa Sơn có hai đội chính, rất đơn giản là: đội đàn ông và đội đàn bà. Đàn ông chuyên đào huyệt, xây mộ, gắn bia...; phụ nữ mới đảm nhận tảo mộ. Các chị em làm ở đây đều được phát đồng phục, đeo bảng tên và chia thành từng nhóm, phụ trách một khu vực nhất định. Mỗi nhóm thường từ 7 đến 8 người và phân ra đội trưởng, đội phó. Ngoài các đội tảo mộ chính, các cụ bà thỉnh thoảng vẫn lên các nghĩa trang để nhặt rác, thắp hương cho các phần mộ.

Công việc thường ngày của người tảo mộ thuê.

Bất cứ nghề nào cũng có sự này, sự kia, tảo mộ cũng chứa đựng nhiều câu chuyện cần phải kể. Đây là một nghề đặc biệt, nghề mà người ta vẫn thường gọi là “kiếm tiền trên đất chết”. Và để làm được nghề này cũng lắm gian truân. Trước hết, họ phải tự mình liên hệ với thân chủ các phần mộ, được sự đồng ý của thân chủ thì tiến hành công việc theo yêu cầu. Tất cả đều được giao kèo bằng miệng, chứ không qua bất cứ giấy tờ nào. Công việc chủ yếu là giẫy cỏ, quét dọn, thắp dầu, thắp nhang, thi thoảng thân chủ lại nhờ đổ cát, quét vôi, quét sơn lại phần mộ. Bởi vậy, cây chổi, cái cuốc, nhang dầu là những thứ không thể thiếu. Thông thường, thân chủ của một ngôi mộ trả công khoảng 200.000 đồng/ tháng, tính cả tiền dầu. Mỗi chị em ở đây chăm lo khoảng 30 đến 40 phần mộ, trừ tiền dầu đèn và chi phí mua dụng cụ, mỗi người có thu nhập khoảng từ 2.500.000 đến 3.000.000 đồng/ tháng.

Công việc tưởng chừng đơn giản là thế nhưng cũng không kém phần vất vả. Cứ đều đặn ngày này qua tháng khác, bất kể trời mưa hay gió cũng phải lên xem mộ để chằng chống, thu cất mọi thứ cho thật cẩn thận kẻo uớt hay đổ vỡ. Chị Trần Thị Thanh, 50 tuổi, ở xã An Ngãi Tây (Hòa Sơn) hiện là Đội trưởng quản lý 8 nhân viên tại khu vực nghĩa trang Từ Trần (hay còn gọi là Mả Mới), kể rằng, những hôm gặp trời mưa mà chăm lo các khu vực mộ mới thì y như rằng bị ốm ngay. Thêm vào đó, do suốt ngày tiếp xúc với dầu đèn, lại ở miết ngoài trời, nên hai bàn tay cứ đen đủi, da sạm hết. Để trụ được với công việc tảo mộ, không chỉ cần có cái tâm mà cũng cần cả lòng can đảm.

Chị Mầu, 55 tuổi, Đội phó khu Từ Trần tâm sự: “Ở những ngôi mộ mới, việc hương khói, dầu đèn phải làm cả ban đêm. Ai đảm nhận thì phải hoàn thành, không làm thì lương tâm áy náy, mà làm thì cũng nhiều phen đứng tim”. Hằng ngày túc trực tại nghĩa trang, thân gái đêm khuya không sợ thứ này thì sợ cái khác. Đó là chưa kể sợ thân chủ nghi ngờ làm việc không tận tình, lén lấy đồ liệm bán đi bán lại... Thậm chí, có những thân chủ kỳ kèo, quỵt luôn tiền của các chị, có khi làm công không lương trong cả năm, lại bị hụt tiền dầu. Chị Thanh kể rằng, có thân chủ nọ, bố mất nhờ chị chăm nom cho hết 49 ngày. Chị chăm hơn 3 tháng, mà mỗi lần người nhà lên thăm mộ lại cứ lẩn tránh. Chị cũng chỉ biết nói mỗi một câu: “Thôi thì ta không lấy tiền nữa mô, coi như ta cho ông già mi”... Trung bình, mỗi tuần phải thắp đến 15 lít dầu, nên nhiều lúc ở nhà gạo hết nhưng vẫn phải mua dầu trước rồi mới tính tiếp...

Thân gái giữa bốn bề toàn mộ phần.

“Làm nghề này vui hay buồn cũng đều do người ta. Vui cũng vì người khác, mà buồn cũng vì người khác. Nhiều lúc vui một cách rất đơn giản: vui vì mộ của ông này có thêm bình hoa mới, mộ của cháu này mới được sơn màu lại, nhìn sáng sủa hơn... Thỉnh thoảng, những gia chủ tử tế lại điện đến hỏi thăm phần mộ và nói lời cảm ơn, thấy lòng mình dễ chịu. Hiện nghĩa trang vẫn còn những phần mộ chưa có thân nhân, không người chăm sóc. Nhiều lúc nghỉ ngơi, nhìn phần mộ hiu quạnh cũng thấy chạnh lòng, lại thay phiên nhau châm cho ít dầu, đốt nén nhang cho ấm lòng người đã khuất”, chị Thanh trải lòng.

Hình như ở đây, những phần mộ của người dưng cũng hóa thành những gì thân thuộc...

Kim Hiếu – Nguyễn Tiên