Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất

Thứ bảy, 28/11/2020 17:43

Ngày 27-11 tại tỉnh Quảng Trị, Bộ NN và PTNT tổ chức Hội nghị Thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020. Đồng chủ trì hội nghị gồm Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường và 3 Thứ trưởng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng. Hội nghị vô cùng ý nghĩa này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt khi có sự tham dự của gần 150 đại biểu đến từ các Bộ, ngành và Lãnh đạo UBND 6 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gần 150 đại biểu về dự hội nghị quan trọng về thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai.

Hàng ngàn héc-ta diện tích nông nghiệp bị vùi lấp

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN và PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là 6 tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Đồng thời, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến nhân dân, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đã chung tay với Bộ để vượt qua thời điểm khó khăn. Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11 - 2020, bão, lũ đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" chưa từng có trong nhiều năm đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. 6 tỉnh trên hiện đối mặt với rất nhiều khó khăn trong khôi phục sản xuất nông nghiệp như diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, bị đất đá vùi lấp, thiếu nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị tổn thất rất nặng nề, ước giá trị thiệt hại hơn 2.900 tỷ đồng, đặc biệt khó khăn khi gần 1.700 ha đất sản xuất bị bồi lấp, trong đó 1.459,1 ha thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo kịp thời để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021. Cũng có đến 186,8 ha rất nhiều đất đá vùi lấp không thể sản xuất nông nghiệp. Gần 1 triệu con gia cầm, gia súc đã bị cuốn trôi theo lũ, cùng với đó hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Quảng Trị hư hỏng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khôi phục sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho biết thiệt hại do thiên tai gây ra cho ngành nông nghiệp tỉnh này ước khoảng 1.190 tỷ đồng, trong đó thủy lợi, đê kè hư hỏng thiệt hại đến 600 tỷ đồng. Nặng nề không kém là tại Quảng Nam, thiệt hại nông nghiệp ước khoảng 6.418 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về sản xuất: 5.525 tỷ đồng; về thủy lợi: 868 tỷ đồng.

Nhấn mạnh thêm về khó khăn đất nông nghiệp bị vùi lấp, lãnh đạo Bộ NN và PTNT cho biết tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp của các tỉnh khoảng 2.624 ha. Độ sâu vùi lấp, đặc điểm lớp phủ bề mặt tại các điểm bị vùi lấp rất khác nhau. Như tại Thừa Thiên Huế đang tiến hành thống kê, đánh giá mức độ, diện tích đất bị vùi lấp do đất đá, bèo và rác thải bước đầu xác định khoảng 500 ha. Hay tại Quảng Trị, trong gần 1.700 ha đất bị vùi lấp có đến 266 ha trước mắt không thể khôi phục được. Tại Quảng Ngãi cũng có khoảng 311ha bị vùi lấp, tập trung ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Ba Tơ. Hà Tĩnh cũng có 109 ha (gồm đất trồng lúa và đất màu) bị vùi lấp...Tình hình sạt lở đất, bờ biển đang thực sự là nỗi ám ảnh trong mùa mưa bão vừa qua. Đến đâu ở những vùng này, đều cảm nhận sự điêu đứng, khốn đốn của bà con nông dân trước ngổn ngang khó khăn để vực dậy hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra nguồn cá giống hỗ trợ nông dân Quảng Trị trước thềm hội nghị.

Cấp thiết sửa chữa thủy lợi, hỗ trợ kịp thời nguồn giống

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND 6 tỉnh cùng đại diện Quân khu 4, Quân khu 5 đều đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất xác đáng cho công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết phải cấp thiết sửa chữa công trình thủy lợi, đồng thời cung cấp nguồn giống cây trồng vật nuôi chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông - Xuân. Không chỉ Quảng Trị mà nhiều tỉnh cũng đang lâm cảnh thiếu hụt nghiêm trọng nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Nhu cầu cấp thiết là nguồn giống gia cầm để tổ chức sản xuất trong nông hộ, trang trại do thời gian nuôi ngắn nên sẽ giúp khôi phục sinh kế nhanh hơn các đối tượng nuôi khác. Các địa phương cũng cần hỗ trợ kỹ thuật để sớm phục hồi nhanh diện tích cây ăn quả bị hư hại nặng. Lãnh đạo các địa phương cũng đặc biệt nhấn mạnh chính sự vào cuộc kịp thời, hỗ trợ sâu sát của Bộ NN và PTNT đã giúp công tác khắc phục nhanh và hiệu quả hơn. Bộ NN và PTNT đã cử các đoàn công tác vào các địa phương thực hiện điều tra đánh giá thiệt hại và chỉ đạo các biện pháp khắc phục; biên soạn và gửi các tài liệu hướng dẫn khắc phục vườn cây lâu năm bị ảnh hưởng do ngập lụt.Đã tổ chức 07 lớp tập huấn tại 5 tỉnh cho người dân nuôi trồng thủy sản vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, bão, lũ về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ giống, cây trồng cho trồng trọt: Bộ NN và PTNT đã ký 04 Quyết định xuất hỗ trợ 23,0 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Bộ NN và PTNT cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên từ nguồn xã hội hóa. Đã kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 150 tấn hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường. Thực tế đến ngày 23 - 11- 2020, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 140 triệu con tôm thẻ chân trắng; 50 tấn thức ăn; 30 tấn hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường NTTS cho 480 hộ dân và 600 kg cá bố mẹ (gồm cá chép, cá rô phi, cá trắm cỏ) cho Trung tâm giống của tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Phát biểu kết luận sau nhiều ý kiến phân tích, đóng góp tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý tình hình tại sườn núi phía tây các tỉnh bởi diễn biến sạt lở đất đang và sẽ tiếp diễn phức tạp. Đồng thời đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân đói. "Không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất. Tập trung sản xuất những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ kịp thời ngay trong dịp Tết nguyên đán. Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi. Khử trùng và xử lý môi trường chăn nuôi. Sản xuất đảm bảo phù hợp với mùa vụ và thời tiết (tránh nuôi thả giống vào thời điểm quá lạnh, môi trường chưa sẵn sàng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với xử lý những vùng đất bị vùi lấp, đã có những hướng dẫn cụ thể sau khi Bộ NN và PTNT tiến hành lấy mẫu phân tích và đánh giá từ thực địa. Khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, chống sạt lở bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước mặt ruộng. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án WB8 để bảo đảm an toàn cho 189 hồ; tổ chức sửa chữa, nâng cấp 71 hồ chứa đang bị hư hỏng; sửa chữa các hồ thiếu năng lực xả lũ và tuyến đường huyết mạch phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Rà soát, khoanh vùng diện tích không bảo đảm nguồn nước cung cấp (do công trình hư hỏng, kênh mương bồi lấp chưa kịp khôi phục) để có phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước...

Về lâu dài, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao; chuyển đổi đất, cây trồng, thời vụ; chăn nuôi, chăn nuôi đại gia súc; xây dựng, quy hoạch xử dụng đất; xử lý môi trường sau thiên tai; đầu tư hạ tầng sản xuất, bao gồm: Hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai bền vững; xây dựng các hồ chứa thủy lợi lớn, đa mục tiêu,... đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, phòng chống lũ hạ du; Hạ tầng bảo đảm thoát lũ nhanh. Khép lại hội nghị, đã thu về nhiều kết quả hơn dự kiến. Đó là nhiều khó khăn từ thực tế được "soi" kỹ hơn, những đề xuất được quan tâm sát sao, qua đó chương trình khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đang được tiếp sức thực sự. Với sự vào cuộc của Bộ và chính quyền địa phương như trên, người nông dân ắt đầy tin tưởng, phấn khởi để bắt tay vào khôi phục sản xuất nông nghiệp một cách tích cực nhất, như nghị lực lấp lánh của họ trong mọi khắc nghiệt thiên tai lâu nay.

BẢO HÀ