Tạo thói quen yêu thương cho trẻ

Thứ tư, 30/12/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Sẽ có người cho quan điểm này thật sai lầm. Tình yêu thương phải được xuất phát từ bên trong tâm hồn, sao lại phải tạo "thói quen"? Nếu thế khác gì là một sự gượng ép? Nhưng lại có câu nói, "một thói quen tốt sẽ tạo nên một tính cách tốt, nhân cách tốt". Yêu thương cũng vậy, cũng cần có điều kiện "cần và đủ", cần có chất xúc tác để bồi đắp tâm hồn mỗi một con người. Đặc biệt là với trẻ em!

Có một thực tế đã, đang hiện hữu trong đời sống không ít đứa trẻ thời nay là tính thờ ơ, bàng quan với mọi người xung quanh, thậm chí cả người thân trong gia đình.

Có không ít ông bố, bà mẹ than phiền con cái mình thiếu sự quan tâm, tình yêu thương với ông bà, cha mẹ. Đi học về lại nhốt mình vào phòng riêng để làm việc riêng. Có khi, đến giờ cơm chúng cũng không xuống ăn chung cùng gia đình, đừng nói chi đến sự sẻ chia trong việc phụ giúp cha mẹ làm việc nhà! Không ít bậc cha mẹ tâm sự, nhiều lúc họ thấy tủi thân khi sự quan tâm, yêu thương của họ đã không được con cái hiểu cho. Chúng mặc nhiên cho đấy là điều hiển nhiên, không thể khác hơn được.

Phải chăng trẻ em bây giờ sống ích kỷ, bàng quan? Hay bởi người lớn đã không hình thành cho chúng tình yêu thương từ những kỹ năng sống, những thói quen tốt cần được "thực hành" hàng ngày?

Khi đề cập đến nguyên nhân liên quan đến các mặt trái của trẻ vi phạm pháp luật, trẻ chưa ngoan, bạo lực học đường, câu cửa miệng mà ngày nay ta hay nhắc đến là vì trẻ em hôm nay thiếu kỹ năng sống, thiếu sự quan tâm, yêu thương đúng cách từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở chỗ thời lượng để giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho các em ở trường học quá ít mà phụ thuộc rất lớn ở sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường? Không ít gia đình do bận rộn với cuộc mưu sinh cùng nhiều mối quan hệ xã hội khác, lại thêm vì thương con, nên đã tự mình làm tất thảy những công việc mà đáng lý ra phải để chúng tự làm. Bởi, chỉ khi tự làm công việc vừa sức trong gia đình, trẻ mới nhận ra được những giá trị sống mà chúng đang có để trân quý và biết sẻ chia hơn.

Với lịch học kiến thức dày đặc, lại thêm không có người nhắc nhở, chỉ vẽ khi ở nhà, lâu dần hình thành cho trẻ em thói quen ỉ lại, trở nên bàng quan, thiếu quan sát, sẻ chia với người xung quanh. Không nên chỉ nghĩ rằng, yêu thương là tự thân bên trong tâm hồn mỗi con người. Nó cũng cần có sự xúc tác từ bên ngoài. Sự quan tâm chia sẻ, tận tình, kiên trì hướng dẫn từ phía cha mẹ, người thân trong gia đình, từ thầy cô và người lớn sẽ hình thành nên cho mỗi đứa trẻ một thói quen tốt biết quan sát, sẻ chia và quan tâm đến mọi người xung quanh. Yêu thương cũng từ đó mà hình thành nên!

Khánh Yên