Tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất và đội ngũ y tế chuyên sâu
Ngày 23-8, Đoàn công tác Bộ y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu làm việc tại Đà Nẵng về công tác y tế 6 tháng đầu năm 2018 và định hướng phát triển ngành y tế của địa phương trong thời gian đến. Sau khi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm y tế Q.Cẩm Lệ, đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng các sở, ban ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ y tế kiểm tra thực tế công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Q.Cẩm Lệ. |
Báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay Đà Nẵng có 28 đơn vị trực thuộc, bao gồm 1 chi cục và 27 đơn vị chuyên môn (9 bệnh viện, 11 đơn vị lĩnh vực dự phòng và 7 Trung tâm y tế quận, huyện). Toàn thành phố có 56 trạm y tế tại 56 xã phường và 6.152 cán bộ nhân viên, 1.843 cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng tại các xã, phường và 148 nhân viên y tế thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành y tế đã quản lý sức khỏe công dân đạt 40% dân số trên địa bàn. Xây dựng hệ thống phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện đạt 60% danh mục kỹ thuật được duyệt. Tham mưu thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng trên cơ sở hợp nhất 6 đơn vị thuộc hệ dự phòng. Toàn ngành đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể. Vậy nên, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh nói chung và không để xảy ra trường hợp tử vong trên địa bàn. Về các lĩnh vực khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và quản lý ngành y tế, các công tác dược, tổ chức cán bộ, thanh kiểm tra, công nghệ thông tin, quản lý đầu tư trang thiết bị y tế, hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng cơ bản, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giảm tải bệnh viện... được chú trọng đầu tư, đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, ngành y tế Đà Nẵng phấn đấu xây dựng hệ thống y tế thành phố ngày càng hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến thành phố đến quận, huyện, xã, phường theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, thành phố phấn đấu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế. Tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả trong công tác thông tin, giáo dục và truyền thông y tế.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2018, ngành y tế Đà Nẵng tập trung vào việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, thiên tai. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018. Tiếp tục triển khai các dịch vụ y tế chuyên sâu, kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc; thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và thông báo tuyến. Tiếp tục tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, tăng cường công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Lập kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc trên địa bàn, đặc biệt là thuốc đông y, dược liệu và thực phẩm chức năng. Xây dựng và trình phê duyệt đề án thu hút đào tạo và thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi ngành y tế. Rà soát thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Trên cơ sở phát biểu ý kiến giữa đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng và thành viên trong Đoàn công tác của Bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, rất ấn tượng với sự phát triển của TP Đà Nẵng, trong đó mức sống và chế độ chăm sóc y tế tiến bộ nhanh. Đà Nẵng đã xây dựng được đội ngũ y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao và có đầu tư cho y tế tuyến cơ sở. Thêm nữa, nơi đây cũng đã đổi mới cơ chế tài chính, đấu thầu tập trung thuốc, y tế thiết bị... rất là tốt. Để phát triển xứng tầm với thành phố trung ương, đáng sống, ngành y tế cần phải tập trung nhiều hơn nữa vào việc đầu tư cơ sở vật chất. Bởi lẽ, hiện nay một số bệnh viện tại Đà Nẵng còn chật chội, chưa đáp ứng tốt nhất việc khám chữa bệnh. Thêm nữa, Đà Nẵng chưa có cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực y tế. Nguồn nhân lực, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực dự phòng, tim mạch, nhi khoa, ung bướu... chưa xuất sắc. Cần phải thu hút nhân tài ở lĩnh vực này kể cả đầu tư trang thiết bị hiện đại. Về y tế tuyến cơ sở, nếu Đà Nẵng muốn xây mới toàn bộ là rất lãng phí, chỉ cần tồn tại và có đầu tư để thực hiện các chương trình y tế dự phòng theo quy định. Nếu muốn các trạm y tế có bác sĩ, Đà Nẵng chỉ cần luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên về. Những bệnh không lây nhiễm nên đưa về tuyến cơ sở điều trị để giảm tải cho tuyến trên. Đà Nẵng nên có thêm chương trình về nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bài, ảnh: Nguyên Thảo