Tàu cháy, ngư dân trắng tay sau một đêm

Thứ bảy, 30/12/2017 11:52

Thời gian gần đây, tình trạng cháy tàu cá xảy ra liên tục ở các xã vùng biển của H. Núi Thành (Quảng Nam) khiến ngư dân lo lắng. Theo thống kê của UBND H. Núi Thành, từ năm 2014 đến nay toàn huyện đã xảy ra hơn 10 vụ cháy tàu cá khi đang neo đậu tại các âu thuyền, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Hơn lúc nào hết, thực trạng trên đòi hỏi các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy, đối với các chủ tàu cần chú trọng hơn nữa đến an toàn phòng chống cháy nổ trên tàu.

Tàu cá của ông Trần Văn Đạo bị cháy khuya 25-12.

Khuya 25-12, tàu cá QNa 91515 TS công suất 822CV của anh Trần Văn Đạo (trú thôn Tân Lập, xã Tam Hải, H. Núi Thành) trị giá 9,2 tỷ đồng bị bốc cháy khi đang neo đậu tại bờ biển Long Thạnh Đông (Tam Hải). Mặc dù đã được người dân cùng các ngành chức năng nỗ lực cứu chữa nhưng do sự việc diễn ra giữa đêm khuya, địa bàn cách trở nên việc cứu chữa gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả tàu bị cháy trụi gần như hoàn toàn, gây thiệt hại rất lớn cho gia đình anh Đạo. Được biết, anh Đạo được hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, được nhà nước cho vay vốn để đóng tàu mới. Tàu anh đóng cách đây hơn 1 năm và đã vươn khơi được 5 chuyến. Công việc đánh bắt của anh bước đầu rất thuận lợi, giải quyết cho hơn 10 lao động trong địa phương. Trước ngày xảy ra vụ cháy, anh Đạo bàn tính với anh Trần Văn Kỳ (anh trai Đạo) cùng đi mua dầu về chuẩn bị chờ khi biển lặn sẽ ra khơi. Ngoài ra, anh Đạo cũng đã tìm thêm người để cùng đi biển, nhưng bất ngờ sự việc lại xảy ra. "Lúc đó khoảng gần 1 giờ khuya tôi thấy khói bốc lên gần bờ biển, nhưng nghĩ là có người đốt rác. Một lúc sau có 2 vợ chồng hành nghề lưới đêm phát hiện tàu anh Đạo cháy nên thông báo mọi người chạy ra cứu chữa. Lúc này anh Trần Văn Kỳ đang ở tàu bên cạnh dùng vòi phun nước vào tàu để chữa cháy nhưng không ngờ khi gặp nước, dầu càng lan cháy nhanh hơn. Mọi người nhanh chóng lao xuống kéo lưới ra khỏi tàu nhằm hạn chế cháy. Người thì xuống nước dùng đục phá thuyền để thuyền chìm xuống sẽ dập được lửa, nhưng do tàu anh Đạo được đóng quá chắc nên không thể phá được. Lửa cháy mỗi lúc một lớn nên mọi người không ai dám lại gần vì trên tàu có nhiều vật dụng gây nổ và 4.000 lít dầu đang được dự trữ để chuẩn bị vươn khơi"- bà H., người chứng kiến vụ cháy  thông tin. Trước tình thế đó, anh Kỳ đành phải đưa tàu của mình ra xa để khỏi bị tàu anh Đạo cháy sang. Một lúc sau, lực lượng Công an, Biên phòng đến ứng cứu và phải mất 6 giờ mới dập tắt đám cháy nhưng đến trưa tàu bốc cháy trở lại, lực lượng chức năng phải xuống dập một lần nữa. Nguyên nhân tàu bị cháy đang được các ngành chức năng làm rõ...

Ngồi thẩn thờ bên con tàu cháy mới được kéo lên bờ để sửa chữa lại, anh Trần Văn Đạo chẳng buồn trò chuyện với những người xung quanh. Khi chúng tôi hỏi về con tàu bị cháy, anh từ chối: "Mấy ngày nay tôi mệt mỏi quá, giờ không còn tâm trạng để nói chuyện với các anh nữa, mong các anh thông cảm!". Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyên- Trưởng thôn Long Thạnh Đông thông tin: Sau khi phát hiện tàu anh Đạo bị cháy, tôi đã báo cáo lên UBND xã để có biện pháp khẩn trương dập lửa. Một lúc sau lực lượng chức năng đã có mặt, nhưng do đặc thù địa bàn là xã đảo, giao thông bị chia cắt phải đi bằng phà, vụ việc lại xảy ra lúc khuya nên gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp cận đám cháy, lực lượng chữa cháy phải đi bằng thuyền sang nên mất thêm nhiều thời gian. Hơn nữa, do dầu lan quá nhanh nên khi đến nơi thì lửa đã cháy rất lớn. Các ngành chức năng cố gắng cứu chữa đến 8 giờ cùng ngày mới dập tắt được đám cháy.

Lực lượng chức năng tiếp cận dập lửa một vụ cháy tàu ở Núi Thành gần đây.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thân (43 tuổi, xã Tam Quang, H. Núi Thành), chủ tàu cá QNa-90332 chia sẻ: Cùng là người đi biển, tôi rất cảm thông cho anh Trần Văn Đạo. Năm 2015 con tàu QNa-91918TS trị giá 3,5 tỉ đồng của tôi bị bốc cháy, lúc đó tôi lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Biết gia đình tôi gặp khó khăn nên tổ chức Tấm lòng vàng hỗ trợ được 70 triệu đồng, Cty bảo hiểm đền bù được gần 2 tỷ đồng, tiếp tục vay mượn thêm gần 1 tỷ đồng tôi đóng con tàu mới. "Người dân ở đây sống nhờ vào biển, không đi tàu thì lấy gì mà sống. Sau vụ cháy, tôi phải đi theo phụ tàu hơn một năm để có tiền trang trải cuộc sống. Sau khi được Cty bảo hiểm đền bù, tôi quyết định đóng tàu mới để vươn khơi. Tôi phải cố gắng đi tàu mới có thể trả hết nợ, rồi còn phải lo cho gia đình nữa"- anh Thân bộc bạch...

Theo CAH Núi Thành cho biết, nguyên nhân gây cháy tàu hầu hết là vì hệ thống lưới điện và các thiết bị sử dụng điện công suất lớn lắp trên tàu không đảm bảo an toàn. Hầu hết hệ thống điện được các thợ nghiệp dư lắp đặt, thậm chí do chính chủ tàu tự thực hiện, hoàn toàn không đảm bảo về kỹ thuật, an toàn. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ còn có trữ lượng dầu lớn, nên khi sự cố cháy xảy ra, ngọn lửa bùng phát mạnh, lan nhanh không kiểm soát. "Trước thực tế trên, để phòng ngừa cháy tàu, cán bộ của đơn vị đã xuống từng tàu cá tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện và ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, phát tài liệu về cách xử lý các sự cố cháy đơn giản để giúp ngư dân có thể ứng phó trong thực tế"- Trung tá Nguyễn Thành Long - Trưởng CAH Núi Thành cho hay.

LÊ VƯƠNG