Tàu Hằng Nga 4 chinh phục “mặt tối” của Mặt trăng
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu thăm dò xuống “mặt tối” của Mặt trăng, một cột mốc lớn đối với Bắc Kinh.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hạ cánh tàu thăm dò Hằng Nga 4 lúc 10 giờ 26 (giờ Bắc Kinh) ngày 3-1, trên khu vực Cực Nam - lòng chảo Aitken, miệng núi lửa lớn nhất và lâu đời nhất nằm ở “mặt tối” của Mặt trăng. Tên gọi “mặt tối” không hoàn toàn chính xác, mà đây chỉ là mặt không bao giờ hướng về Trái đất, do Mặt trăng tự quay quanh trục với tốc độ tương đương khi nó bay với quỹ đạo quanh Trái đất. “Mặt tối” vẫn nhận đầy đủ ánh sáng Mặt trời nhưng chúng ta không thấy được nó khi đứng từ mặt đất.
Mô phỏng quá trình hạ cánh của tàu thăm dò Hằng Nga 4 tại CNSA. Ảnh: CNN |
Theo các nhà thiết kế của Hằng Nga 4, tàu thăm dò đi theo một quỹ đạo hình elíp 15km trên bề mặt của Mặt trăng, giúp nó có thể hạ cánh “trơn tru” và “chính xác”. Truyền thông nhà nước đưa tin, tàu vũ trụ truyền lại hình ảnh tầm gần đầu tiên của thế giới phía mặt tối của Mặt trăng. 6 giờ sau khi chạm đất, tàu thăm dò từ tàu vũ trụ sẽ đổ bộ lên bề mặt Mặt trăng, phát ngôn viên của sứ mệnh Yu Guobin nói với CCTV. Khu vực mà tàu thăm dò hạ cánh xuống không có tần số vô tuyến nên tàu thăm dò sẽ không liên lạc trực tiếp được với trung tâm điều khiển mặt đất. Để vượt qua rào cản này, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh chuyên dụng quay quanh Mặt trăng vào đầu năm nay để có thể chuyển thông tin về Trái đất.
Tàu vũ trụ Hằng Nga 4, dài 1,5m, rộng khoảng 1m, với hai tấm pin mặt trời có thể gập lại và 6 bánh xe, đã rời khỏi Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 8-12, tiến vào quỹ đạo Mặt trăng 4 ngày sau đó và bay cách bề mặt 15 km. Nhiều tàu vũ trụ từng chụp ảnh phần tối của Mặt trăng trước đây nhưng chưa có tàu nào đáp xuống khu vực đó.
Nhiều nhiệm vụ
Chuyến thám hiểm hướng đến thu thập dữ liệu chi tiết về địa hình và thành phần khoáng chất của Mặt trăng. Các nhà nghiên cứu cho rằng vùng trũng Aitken là kết quả của một vụ va chạm lớn với thiên thạch khi Mặt trăng mới hình thành. Nhiều khả năng vụ va chạm này làm bắn ra vật liệu từ lõi Mặt trăng. Tàu Hằng Nga 4 có thể hé lộ quá trình vệ tinh tự nhiên của Trái đất ra đời.
Nhiều người hy vọng tàu đổ bộ sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, bao gồm thực hiện thí nghiệm thiên văn vô tuyến tần số thấp lần đầu tiên trên Mặt trăng, quan sát xem thực vật có phát triển trong môi trường trọng lực thấp hay không và khám phá xem có nước hay các tài nguyên khác ở hai cực hay không. Một nhiệm vụ khác là nghiên cứu sự tương tác giữa gió Mặt trời và bề mặt Mặt trăng bằng cách sử dụng một chiếc xe địa hình mới. “Vì phía xa của mặt trăng không chịu tác động của điện từ Trái đất, nên đây là nơi lý tưởng để nghiên cứu môi trường vũ trụ và vụ nổ Mặt trời, và tàu thăm dò có thể “lắng nghe” sâu hơn vũ trụ”, ông Tongjie Liu, Phó giám đốc Trung tâm Chương trình Vũ trụ và Thám hiểm Mặt trăng thuộc CNSA, cho biết.
Bức ảnh đầu tiên ở “mặt tối” của Mặt Trăng được tàu thăm dò Hằng Nga 4 chụp lại. Ảnh: CNN |
Tham vọng ở vũ trụ
Việc hạ cánh thành công lần này không chỉ đánh dấu mốc lịch sử của CNSA mà còn của cả ngành du hành vũ trụ nhân loại. “Trung Quốc rất hào hứng khi được đưa vào sách kỷ lục với những thành tựu không gian của mình. Rất có khả năng với thành công của Hằng Nga cũng như Thần Châu, hai chương trình này sẽ được kết hợp giúp Trung Quốc thành công với kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng”, Joan Johnson-Freese, là chuyên gia về chương trình vũ trụ của Trung Quốc cho biết.
Tàu thăm dò Mặt trăng trước đây của Trung Quốc là Thỏ Ngọc đã dừng hoạt động hồi tháng 8-2016 sau 972 ngày phục vụ trên bề mặt Mặt trăng như một phần của sứ mệnh Hằng Nga 3. Trung Quốc là quốc gia thứ ba thực hiện cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, sau Mỹ và Nga. Theo nhà thiết kế chính của chương trình thăm dò Mặt trăng Wu Weiren, thiết kế tổng thể của tàu thăm dò mới lần này được kế thừa từ Thỏ Ngọc. “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để cải thiện độ tin cậy, thực hiện hàng ngàn thí nghiệm để đảm bảo hoạt động lâu dài của tàu thăm dò, đặc biệt là xem xét các tảng đá, khe núi và ma sát trên Mặt trăng”, ông Wu Weiren cho biết hồi tháng 8.
Bắc Kinh có kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao hỏa đầu tiên vào khoảng năm 2020 thám hiểm quỹ đạo cũng như thu thập các mẫu đất đá trên bề mặt Hành tinh đỏ. Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu xây một trạm vũ trụ vĩnh viễn hoạt động đầy đủ vào năm 2022, vì tương lai của Trạm Vũ trụ Quốc tế (IS) không chắc chắn do vấn đề kinh phí và chính trị phức tạp.
Bất chấp những thành công gần đây trong việc đưa một tàu đổ bộ robot lên Sao Hỏa, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách trong nhiều năm. Mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh “động cơ hòa bình” trong hoạt động thám hiểm không gian, Washington ngày càng coi Trung Quốc, cùng với Nga, là mối đe dọa tiềm ẩn. Washinhton cáo buộc Bắc Kinh đưa vũ khí mới vào vũ trụ, động thái khiến Tổng thống Donald Trump phải tuyên bố thành lập Lực lượng Vũ trụ Mỹ vào năm 2020.
Quốc hội Mỹ đã cấm NASA làm việc chung với Trung Quốc do những lo ngại về an ninh quốc gia. “Mỹ thấy quá nhiều thứ Trung Quốc làm trong vũ trụ là mối đe dọa”, bà Johnson-Freese cho biết. Bà cho rằng, kết hợp sự chuẩn bị của quân đội với các nỗ lực ngoại giao sẽ ngăn chặn tốt nhất các mối đe dọa trong không gian từ mọi phía, nhưng nhấn mạnh rằng “thật không may, Mỹ không thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực ngoại giao liên quan đến an ninh vũ trụ”.
AN BÌNH