Tàu không số, chuyện bây giờ mới kể

Thứ sáu, 13/02/2015 11:02

(Cadn.com.vn) - Nghe anh em lãnh đạo xã Điện Tiến (H. Điện Bàn, Quảng Nam) báo tin anh Nguyễn Tất Thắng, người con của quê hương, nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn giai đoạn 1975 - 1976 đang ốm nằm điều trị tại Khoa Nội A – Bệnh viện C Đà Nẵng, tôi ghé thăm anh. Ấn tượng đầu tiên ở anh là cái bắt tay niềm nở và nụ cười đôn hậu trên môi.

Mỗi lần qua Hải Vân, lại nhớ lần đón tàu không số năm ấy.

Tôi chưa kịp hỏi nhưng như hiểu ý tôi, anh nói sức khỏe của mình hôm nay khá lắm rồi. Bác sĩ cho biết, có thể ít hôm nữa sẽ ra viện, mừng quá. Nằm ở đây ngày nào con cháu khổ ngày đó, chúng nó đứa đi làm, đứa đi học, lại phải vào ra thăm hỏi chăm sóc vất vả lắm. Những vết thương trong chiến tranh và trong tù đày bị địch đánh đập, tra tấn hành hạ nay lại tái phát. “Tuổi già, mùa đông khắc nghiệt tưởng chừng như không gượng nổi chú ơi”, giọng anh nhẹ nhàng. Rồi như gặp được người tri kỷ, anh Thắng say sưa sống lại với dòng hồi ức tưởng chừng bất tận của anh về một thời chiến trường nóng bỏng và khốc liệt. Dưới đây là câu chuyện của anh:

... Mỗi lần gặp em, anh càng nhớ chú Mười Khôi. Anh có may mắn trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt chống Mỹ, có nhiều thời gian công tác được gần gũi ông, được ông giúp đỡ, tin yêu, giao tham gia nhiều việc quan trọng. Cuối năm 1955 đầu năm 1956, địch tổ chức học tập tố cộng, diệt cộng. Chúng bắn giết, bỏ tù, bỏ bao tời thả sông thả biển. Những vụ địch tàn sát, hàng loạt cán bộ, đảng viên và đồng bào ta liên tiếp diễn ra trên địa bàn tỉnh, ông nhạy bén lắm, thấy không bảo tồn được lực lượng, ông nhanh chóng huy động gần 3.000 cán bộ đưa lên núi bí mật đưa ra Bắc. Ông nói phải đưa đi gấp, để lại sẽ chết hết. Chính tôi được ông giao nhiệm vụ đưa số này đi, ông bảo tôi: “Chú ở lại cũng không làm được gì. Việc này khó khăn không kể xiết, muối không có ăn, ký ninh (chữa sốt rét) không có". Chúng tôi phải soi đường mà đi. Nhờ đó mà sau này mới có đường mòn, mà cũng nhờ đó mà sau này có cán bộ lần lượt đưa về hoạt động. Không có ông Mười Khôi, thì tổn thất cho cách mạng sẽ không lường hết được...”.

Năm 1960, vào những tháng giáp Tết, ông gọi tôi lên giao nhiệm vụ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đi làm nhiệm vụ quan trọng. Định hỏi ông cần chuẩn bị những gì, hôm nào lên đường nhưng sợ nguyên tắc bí mật nên tôi không dám hỏi, chào ông xin phép ra về. Mấy hôm sau có  lệnh tập trung về cơ quan Tỉnh ủy, lúc này đóng tại Giàn Bí, Lô Ô huyện Hiên, nay là H. Đông Giang, Quảng Nam. Đến nơi đã thấy có đồng chí Tưởng Cơ, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Điện Bàn được điều về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, Đại đội trưởng Đại đội đặc công, đại úy  Nguyễn Chơn, Nguyễn Trung cán bộ văn phòng, đồng chí Tâm phụ trách cơ yếu, đồng chí Thái Quyền, Phó ban Giao thông Khu 5, đồng chí Điều, liên lạc cho Bí thư Khu ủy Năm Công... Tôi lúc này làm Trưởng ban giao bưu tỉnh.

Đồng chí Mười Khôi, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm và giao nhiệm vụ cho đoàn công tác: “Khu ủy giao tỉnh ta tổ chức đoàn công tác đi lấy vũ khí từ tàu không số trung ương chi viện cho Khu 5 và tỉnh ta. Khu cũng cử 2 đồng chí Thái Quyền, đồng chí Điều ra phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này”. Cả đoàn rất phấn khởi và hứa quyết tâm làm tốt nhiệm vụ. Lúc này tỉnh đang huy động thanh niên lên xây dựng lực lượng vũ trang nên rất cần có vũ khí để trang bị. Ông cùng đi đưa tiễn đoàn ra đến Khe Hoa cánh Bắc Hòa Vang. Nghỉ lại đây một hôm, ông cùng anh em trong đoàn xuống suối bắt ốc, bắt cua, hái rau rừng tổ chức một bữa liên hoan đưa tiễn ông về lại cơ quan. Ngày trước cán bộ cấp trên, cấp dưới sống gần gũi, chan hòa với nhau, chế độ chính sách như nhau. Hàng tháng mỗi người được một lon muối sống, lương thực phẩm chủ yếu tự phát rẫy tổ chức sản xuất chăn nuôi để ăn, ai cũng phải ra rừng phát rẫy, cấp trên, cấp dưới chỉ khác nhau trong công việc, làm càng lớn trách nhiệm gánh vác công việc càng nặng nề, chịu trách nhiệm trước Đảng trước dân càng phải cao... Đoàn tiếp tục lên đường đi đến điểm hẹn, đồng chí Sáu, cán bộ nằm vùng khu vực Trường Định-Hòa Vang ra đón đưa đoàn đến một hang đá ở đỉnh núi đèo Hải Vân. Tại đây, đã chuẩn bị sẵn số gạo, thực phẩm, đoàn nhận bổ sung thêm trước khi đi tiếp đến nơi chờ bắt liên lạc với tàu không số.

Đứng trên đỉnh núi, anh em nhìn xuống thấy biển, ai nấy đều mong quê hương sớm được giải phóng. Đoàn tiếp tục xuyên đường rừng đi xuống, vượt qua đường số 1 lần theo con suối xuống biển, theo kế hoạch đi vào Làng Chài phía Bắc cầu Thủy Tú để liên lạc với một cơ sở sống hợp pháp tại đó rồi dùng ghe đi đường biển ra điểm hẹn. Song không bắt được liên lạc, đoàn quay lại vào núi lần theo hướng Bắc đường tàu hỏa đi ra Hố Chuối núi Hải Vân, nơi điểm hẹn để bắt liên lạc với tàu không số.

Ở đây, ban ngày vào sâu trong rừng tránh địch, đêm ra sát biển dùng tín hiệu được quy định để bắt liên lạc với tàu không số. Cứ thế, chúng tôi sống ở đây 5 ngày chịu bao mưa bão, giá rét. Sau đó, được tin tàu gặp mưa bão hỏng máy, gãy lái trôi dạt vào vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đoàn đành trở về.

Đồng chí Nguyễn Chơn, người rất thông thạo địa bàn khu vực này, đưa đoàn đến thôn Phò Nam. Lương thực, thực phẩm của đoàn hết sạch, bụng ai cũng đói cồn cào, đành lấy một buồng chuối, đào một ít khoai lang ở khu vườn của dân gần đó. Mờ sáng, có người ra thăm vườn thấy mất chuối, mất khoai, liền hô hoán Việt Cộng. Một số người đốt đuốc, đánh mõ la làng, địch đổ quân vây đuổi buộc chúng tôi chạy thoát vào rừng sâu. Bụng đói ăn khoai, chuối sống, chúng tôi ai cũng đau bụng, bị “Tào tháo” rượt. Tiêu chảy nhiều lần, không tự chủ được, có người dùng tấm ni-lông cột quanh người che thay quần. Đến chỗ nào có sông, suối thì rửa. May quá còn được chai nước mắm, mỗi người uống một ít. Nhờ vậy, không hiểu sao, nó cầm dần, cầm dần.

Xuân năm 1968, tôi là Khu ủy viên Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó ban tổ chức Đặc khu ủy được Đặc khu ủy phân công ra công tác ở Hòa Vang. Trên đường đi đến đập Vĩnh Trinh, bị địch phát hiện, máy bay trực thăng đổ quân xuống vây bắt, chúng đưa tôi ra Hòa Cầm đánh đập, khai thác. Thằng thiếu tá Mỹ xông vào đánh tới tấp đổ cả máu miệng, tôi phun miệng máu vào mặt nó. Tên thiếu tá lẩm bẩm gì đó, thằng phiên dịch nói tôi mất lịch sự. Tôi bảo nó đâu có lịch sự với tôi mà tôi lại có lịch sự với nó! Sau chúng đưa tôi ra giam ở nhà lao Hội An rồi đưa ra phòng nhì Việt Mỹ tại Non Nước. Chúng đưa tên Tập, tên chiêu hồi biết tôi ra nhận diện, tôi nói ngay không biết nó. Chúng đưa ra đủ các loại phương tiện tra tấn nhằm trấn áp tinh thần tôi trước khi tra tấn nhục hình. Chúng dùng mọi lời dụ dỗ, tra tấn đánh đập nhưng tôi một mực nói mình tên là Nguyễn Thông, quê ở Bình Phước đi dạy học, không biết gì hết. Không khai thác được gì lại đưa về giam ở Non Nước, thời gian sau, chúng đưa lên máy bay cho ra giam ở nhà lao Phú Quốc. Vừa bước xuống máy bay đã thấy đội quân cảnh đeo mặt nạ, tay cầm dùi cui chờ sẵn trông rất dữ tợn, chúng đưa đến phòng điều hành để làm thủ tục rồi đưa về giam ở trại B2 (trại này có 18 phòng, chia 3 dãy). Giám thị trưởng của trại là tên Trần Văn Nhu, khét tiếng ác ôn, nó xông tới đánh vào lưng tôi bằng 2 roi đuôi cá đuối. Nó nói đấy là lễ nhập trại.

Thời gian ở Phú Quốc gần  7 năm, trải qua qua nhiều trại giam, với đủ loại nhục hình tra tấn nhưng bọn địch không khai thác được gì ở tôi. Sau Hiệp định Paris 1973, năm 1974 địch trao trả tôi tại Lộc Ninh. Quá trình ở trại giam Phú Quốc gặp được số đồng chí tù binh trước đây biết nhau khi công tác ở tỉnh, anh em tin tưởng cho biết tình hình chung ở trại và một số đồng chí chi ủy, Đảng ủy tổ chức Đảng trong trại. Nhờ đấy, tôi nhanh chóng hiểu biết được tình hình chung ở trại, anh em cấp ủy càng tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu tôi tham gia vào Đảng ủy. Sau thời gian tham gia công việc lãnh đạo chung, anh em Đảng ủy tín nhiệm bầu tôi làm Bí thư Đảng ủy.

Sống gần nhau, tôi được đồng chí Đông, quê Quảng Ngãi tin tưởng tâm sự anh nguyên thuyền trưởng tàu không số cùng số anh em năm 1960 được Trung ương giao nhiệm vụ đi tàu không số đưa vũ khí vào đèo Hải Vân để chi viện cho chiến trường Khu 5 và Quảng Nam- Đà Nẵng. “Chẳng may trên đường đi gần đến điểm quy định thì gặp mưa bão, biển động, sóng to gió lớn, tàu hỏng máy, gãy bánh lái trôi dạt vào vùng đảo Lý Sơn, địch phát hiện vây bắt. Trước khi sa vào tay địch, chúng tôi phi tang hết vũ khí, súng đạn xuống biển, chỉ để lại trên tàu toàn là ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt cá.

Anh em chúng tôi bị địch bắt tra tấn hành hạ nhưng tất cả một mực khai rằng mình là ngư dân miền Trung đi đánh bắt bị bão tàu hỏng trôi dạt vào đây. Cuối cùng, địch đưa anh em chúng tôi vào giam ở các nhà tù, tôi bị chúng đưa ra giam ở đây”, anh Đông kể. Nắm chặt tay anh, tôi nói đúng là quả đất tròn, cuộc hẹn của anh em chúng mình lẽ ra gặp nhau cách đây 9 năm tại vùng biển núi Hải Vân, song do thiên tai địch họa giờ anh em mình lại gặp nhau ở đảo Phú Quốc này.

Phạm Chí Hòa