Tàu không số tiếp tế cho Chiến trường Khu 5

Thứ hai, 24/10/2016 10:26

(Cadn.com.vn) - Năm 1961, Bộ Chính trị Quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy -  tiền thân Đoàn 125 Hải quân có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, hàng hóa vào miền Nam, tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là Quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, hành động táo bạo, tổ chức thực hiện tinh vi và sự gian khổ, hy sinh để làm nên những chiến tích huyền thoại của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên tuyến vận tải biển chiến lược này.

Ông Vũ Tấn Ích, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số gặp gỡ thế hệ trẻ Hải quân NDVN.

Mùa thu 1964, đường Hồ Chí Minh vượt dãy Trường Sơn mới vươn tới vùng 3 biên giới, chủ yếu chi viện vũ khí, đạn dược (VKĐD) cho Tây Nguyên, nhưng vùng giáp ranh chiến trường Liên Khu 5 còn gặp nhiều khó khăn, bới các tuyến đường ngang nối đồng bằng chưa làm được. Trong khi đó, quân và dân Khu 5 đã và đang nổi dậy diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược của quân địch, vì thế rất cần VKĐD. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Quốc phòng Chỉ thị cho Liên khu 5 tổ chức trinh sát, khảo sát đường biển, mở các bến bãi tập kết hàng. Trong nhiều tháng thực tế, Khu 5 đã xác định được các bến bãi là, Lộ Giao (Bình Định), Đạm Thủy (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam), Vũng Rô (Phú Yên). Đặc điểm của bến bãi tập kết hàng ở Khu 5 đa phần là bến ngang, tức là không kênh rạch, bờ đá vách đứng và bãi cát rộng vươn ra biển dễ bị là mục tiêu lộ cho các tàu vào hoặc ra chưa kịp trước lúc trời sáng. Vì thế, việc tập kết hàng sẽ gặp khó khăn, phức tạp, không thuận lợi như các bến bãi ở Khu 6, Khu 9 nơi đó nhiều con lạch chạy sâu vào đất liền với độ che phủ cao của các cây cối 2 bên bờ.

Ngày 10-10-1964, là chuyến đầu tiên Đoàn 125 cử 12 đồng chí, do Thuyền trưởng Phạm Vạn và Chính trị viên Đăng Văn Thành chỉ huy tàu 401 chở 43 tấn hàng xuất bến Long Châu (Hải Phòng) tiếp tế cho Khu 5. Sau 20 ngày chống chọi với thời tiết khắc nghiệt gió cấp 7 cấp 8, biển động, đến ngày 31-10 tàu cập bến Vũng Rô (Phú Yên). Tiếp các tháng sau đó, Đoàn 125 tổ chức nhiều chuyến vận chuyển trên 300 tấn VKĐD tiếp tế cho Vũng Rô (Phú Yên) và bến Giao Lộ (Bình Định) an toàn.

Điều không may vào đêm 16-1-1965, sau khi tàu 143 chở 63 tấn VKĐD do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy nhận lệnh cập bến giao hàng cho Vũng Rô. Giao hàng xong và nhổ neo để rời bến thì tàu hỏng máy không sửa chữa được đành neo lại. Khoảng 10 giờ sáng ngày hôm sau, một máy bay địch bay qua đã phát hiện và cho quân đến vây, hòng bắt sống tàu ta. Trong tình thế bị lộ, quân ta để lại 2 người trên tàu, còn lại rút vào rừng ẩn tránh. Bọn địch điều máy bay, tàu chiến với số lượng áp đảo đến bắn phá, dội bom làm cho tàu ta bị nghiêng, 2 người trên tàu bị thương và hy sinh. Chỉ huy tàu điều tiếp 2 chiến sĩ bơi đến tàu thực thi nhiệm vụ bấm kíp lượng nổ 500kg bộc phá cài sẵn để hủy tàu. Bộc phá đã nổ, nhưng không nhấn chìm được con tàu xuống biển mà chỉ gãy làm đôi...

Sau sự kiện Vũng Rô hơn 1 tuần, Quân khu 5 tổ chức các trận đánh vào căn cứ Dương Liễu và vận động tấn công Đèo Nhông, thuộc H. Phù Mỹ, Bình Định. Trận đánh này quân ta bắn cháy 9 xe tăng, xe thiết giáp địch bằng súng đạn B40, B41 từ các chuyến hàng của tàu không số chuyển vào trước đó. Địch ở Dương Liễu và Đèo Nhông thất bại thảm hại và hoang mang với các loại vũ khí mới đưa vào chiến trường Khu 5. Tiếp sau đó, quân và dân Khu 5 tiếp tục mở các trận tấn công vào Vạn Tường, Bàu Bàn và ngày 26-5-1965, trận đánh Núi Thành lập chiến công vang dội tiêu diệt một đại đội Mỹ. Sau Chiến thắng này, quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng (Quảng Đà) được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Việt Nam khen tặng 8 chữ vàng “ Trung dũng, kiên cường, đi đầu, diệt Mỹ”. Từ đây, toàn chiến trường miền Nam dấy lên phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” tiến về giải phóng nông thôn, thành thị, diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng...

Khi Vũng Rô bị lộ, quân địch tung lực lượng phong tỏa trên biển, bờ biển, gây khó khăn cho quân ta trong mỗi chuyến chở VKĐD tiếp tế cho chiến trường. Khó khăn, hiểm nguy là vậy, Đoàn 125 vẫn tiếp tục tìm cách, tính kế, thực hiện Phương châm vận chuyển thời điểm này là, “Táo bạo, bí mật, tránh địch là chính, gặp địch không tránh được thì chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bảo vệ bí mật nhiệm vụ”. Đợt tiếp tế, chi viện cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 125 đã điều 5 tàu, trong đó tàu 235 tiếp tế cho bến Hòn Hèo (Khánh Hòa), tàu 43 vào Đức Phổ (Quảng  Ngãi), tàu 198 giao hàng cho bến Ba Làng An, Quảng Ngãi, tàu 56 vào bến Lô Giáo (Bình Định)… Đây là những chuyến vượt biển lịch sử, bởi các tàu đều bị gặp và chiến đấu với quân địch. Trong đó, tàu 43 đã kiên cường chiến đấu bắn cháy một máy bay, bắn bị thương  một chiếc khác, và bằng súng ĐKZ trên tàu bắn bị thương một tàu chiến. Tàu 235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Chính trị viên Nguyễn Tương (2 người cùng quê Điện Bàn) chỉ huy,  cùng với 18 thủy thủ đang trên đường vào bến thì gặp địch. Trong tình thế nguy cấp, một tàu ta đọ sức với 7 tàu địch, Thuyền trưởng Phan Vinh lệnh cho anh em vừa chạy vừa thả hàng xuống biển và điều khiển tàu chạy loanh quanh gần bờ. Trong đêm khuya 1-3-1968, 1 tiếng nổ với một vầng lửa sáng rực cả vùng biển, khiến cho tàu 235 một nửa chìm xuống biển và nửa còn lại văng lên bờ Hòn Hèo, Nha Trang...

Cùng trong các chuyến tiếp tế cho chiến trường Khu 5 có Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích, Chỉ huy tàu 198 chở 65 tấn VKĐD bị nhiều tàu chiến và máy bay địch theo dõi đuổi theo, cán bộ chiến sĩ trên tàu đánh trả quyết liệt, cuối cùng phải hủy tàu và VKĐD sau khi đồng đội trên tàu nhảy xuống biển bơi vào bờ an toàn. Theo đó, chúng tôi tìm gặp Trung tá Vũ Tấn Ích, nguyên Thuyền trưởng Tàu không số (thường trú quận Hải Châu). Kể về chuyến hàng này, ông Ích nói, đêm 14-7-1967, tàu nhận nhiệm vụ chở hàng tập kết bến Ba Làng An (Quảng Ngãi), sau này mới biết là tàu 198 bị địch theo dõi trên sóng ra da, khi tàu ta chuyển hướng vào bờ thì quân địch ập đến, tôi và anh Thạch, Chính trị viên lệnh cho anh em cầm súng chiến đấu bằng các loại súng đạn DKZ, B40, B41, 12,7 ly. Trong đêm tối, anh em vui mừng reo lên khi 2 tàu chiến địch bị bắn cháy. Tuy, trong tình thế bị vây hãm, anh em trên tàu vẫn kiên cường đánh trả, cho đến khi bọn địch nới vòng vây, tôi lệnh cho anh em xuống tàu bơi vào bờ, còn Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp đã anh dũng hy sinh cùng với con tàu thân yêu giữa biển khơi. Sau đó, chúng tôi hành quân bộ vượt Trường Sơn ra miền Bắc nhận nhiệm vụ tiếp.

Nguyễn Nhân Mùi